Qua những lần tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ cho thấy, với nhiều hoạt động thiết thực, đi vào chiều sâu và hướng mạnh về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động..., đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, ý thức của người lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng dành sự quan tâm, đầu tư xứng đáng cho công tác đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động. Công ty May Văn Phú (huyện Nho Quan) là một trong những điển hình như thế.
Theo đó, nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, hàng năm, công ty đều xây dựng cụ thể, thiết thực các phần việc quan trọng để triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Đặc biệt, nhiều hoạt động được thực hiện trong Tháng hành động về ATVSLĐ đã tạo hiệu ứng sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, công nhân trong công ty. Điển hình như việc tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các vệ sinh viên, chính những an toàn vệ sinh viên này là kênh tuyên truyền hiệu quả những kiến thức về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) đến tận người lao động.
Nhờ đó, đông đảo công nhân lao động không chỉ hiểu biết và có ý thức bảo vệ tính mạng, sức khỏe bản thân, còn thường xuyên được bồi dưỡng, huấn luyện về luật và những kỹ năng PCCN để chủ động ứng cứu kịp thời. Công ty thành lập một đội PCCC, các thành viên được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ do Công an tỉnh tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty may Văn Phú chia sẻ: Nhân Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay, công ty tiếp tục phát động phong trào thi đua "phát huy sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động". Đây là phong trào đã thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo người lao động trong nhiều năm qua. Những cải thiện nhỏ, không tốn nhiều chi phí như: lắp quạt thông gió, hút bụi, giảm nguồn gây ồn, định kỳ bảo dưỡng máy… nhưng đã góp phần tạo nên môi trường làm việc an toàn, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe cho người lao động.
Với sự chuyển biến tích cực trong những năm qua, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn lao động, số người chết vì tai nạn lao động có dấu hiệu giảm dần. Đặc biệt, theo thống kê năm 2020, tính đến quý II năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh là 45 vụ, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Số người bị tai nạn lao động là 48 người, giảm 4 người so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó, số lao động nữ bị tai nạn là 24 người, giảm 11 người so với cùng kỳ năm 2019). Số người chết do tai nạn lao động là 2 người, giảm 2 người so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù số vụ TNLĐ có chiều hướng giảm dần, nhưng việc để xảy ra TNLĐ vẫn là điều đáng tiếc. Theo phân tích từ ngành chức năng, hầu hết các vụ TNLĐ xảy ra đều bắt nguồn từ sự chủ quan, lơ là của người lao động và của chính doanh nghiệp. Trong năm 2020, mới chỉ có 61 doanh nghiệp sản xuất đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ (chiếm 34% so với tổng số 258 doanh nghiệp sản xuất và đạt tỉ lệ thấp so với tổng số 3 .255 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).
Bên cạnh đó, qua công tác thanh, kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ, như chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; việc kiểm định các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; số ít lao động còn chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định về ATVSLĐ trong quá trình lao động, sản xuất… Thực tiễn này đòi hỏi công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động về công tác ATVSLĐ cần phải tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn nữa, trước mắt là đưa các hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ đi vào thực tiễn, có chiều sâu.
Năm nay, Tháng hành động về ATVSLĐ được tổ chức với chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên". Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức Lễ phát động cấp tỉnh không được tổ chức. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 một cách linh hoạt, hiệu quả và phải đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tiễn và điều kiện của doanh nghiệp để thực hiện một số hoạt động chuyên đề trọng tâm như: Tăng cường truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động. Tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, doanh nghiệp trong khu vực làng nghề.
Tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động như: Hội thi về ATVSLĐ, tọa đàm, đối thoại triển khai chính sách với doanh nghiệp, người lao động về ATVSLĐ... Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện về ATVSLĐ trong các ngành, nghề có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, như xây dựng, khai khoáng, hóa chất, điện, làm việc trong không gian hạn chế…
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Sức khỏe của người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp. Với tầm quan trọng đó, không chỉ thực hiện cao điểm các hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần duy trì các hoạt động thường xuyên về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật.
Trong đó, cần xây dựng chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ và tổ chức thực hiện trong cơ sở của mình. Rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng. Tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ đối với từng máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ…
Bài, ảnh: Đào Hằng