Ngày khai hội, trên dòng sông Sào Khê, hơn 1 nghìn diễn viên và quần chúng mặc các bộ trang phục khác nhau của triều Đinh, gồm Vua, quan, binh lính và người dân, đưa du khách được trở về với đời sống trong những không gian xưa với cuộc diễu binh, diễu hành trên đường cổ Tràng An cũng như dưới dòng sông Sào Khê, chứng kiến những trận thủy chiến, thủa cờ lau tập trận thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh. Với vị trí địa lý đặc biệt này, Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất được 12 sứ quân và lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt, xây dựng nên Kinh đô đá Hoa Lư. Những ngọn núi, dòng sông nơi đây tạo ra những thành trì kiên cố giúp bảo vệ cho các vương triều Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử cổ trung đại nước ta suốt 42 năm. Kế tiếp các triều đại về sau cũng chọn nơi đây làm căn cứ quân sự để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong hành trình về Lễ hội Tràng An 2018, du khách sẽ thấy chưa có một dòng sông nào như dòng sông Sào Khê - dòng sông như một sợi dây xuyên suốt, chuyển tải nét đẹp văn hóa lịch sử của các đền đài, miếu mạo nơi đây cùng với những di sản phi vật thể của nhân loại cũng được hội tụ trên dòng sông này. Đi qua mỗi thung, động, mỗi khúc sông.., du khách sẽ được thưởng thức một loại hình sân khấu là một không gian văn hóa riêng biệt và đặc sắc, không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên mà còn lắng nghe, tìm hiểu về những nét văn hóa lịch sử và âm nhạc cổ truyền của nhiều dân tộc Việt Nam cùng với những nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của các nước trong khu vực ASEAN như: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore…
Nổi bật trong số Đoàn nghệ thuật dân tộc của Việt Nam hội tụ trên dòng sông di sản Tràng An là các nghệ nhân đến từ Cố đô Huế với những bản nhã nhạc cung đình và các tiết mục ca múa nhạc cung đình đặc sắc. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO ghi tên 28 kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại lần thứ hai, trong đó có Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam mà Huế gìn giữ và phát triển. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này.
Tiếp tục xuôi theo Đoàn rước của lễ hội trên dòng sông di sản Tràng An, du khách tiếp tục được chứng kiến một không gian văn hóa của các nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên với một "chương" riêng cho âm nhạc Tây Nguyên song hành suốt trong Lễ hội Tràng An 2018. Tại đây, du khách được tắm mình trong âm thanh, nhịp điệu trữ tình của cồng chiêng, trong âm hưởng hào hùng của rừng đại ngàn Tây Nguyên. Đây là một loại hình âm nhạc đặc sắc của Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005.
Trong số các chương trình nghệ thuật dân tộc đặc biệt không thể không nhắc đến Hà Giang, là tỉnh nằm ở phía Bắc của Việt Nam, nơi có gần 20 dân tộc anh em sinh sống với nhiều sắc màu văn hóa khác nhau. Ngày hôm nay hội tụ về Lễ hội Tràng An 2018, tỉnh Hà Giang đã giới thiệu với đại biểu và du khách các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của Trung tâm văn hóa huyện Xín Mần. Đây là các tiết mục ấn tượng và sôi động với những vũ điệu và những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, mang đậm màu sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao của tỉnh Hà Giang như: Dân tộc Dao Đỏ, Dao Trắng, các dân tộc: Thái, Tày, Nùng...
Tham dự Lễ hội Tràng An năm nay có nhiều nước trong khối ASEAN tham dự, trong đó có 5 đoàn với gần 100 nghệ sĩ các nước bạn về tham gia biểu diễn trên dòng sông di sản Tràng An. Đại diện Đoàn nghệ thuật Quốc gia Singapore cho biết, tuy là một quốc đảo nhỏ nhất khu vực Đông Nam á nhưng Singapore lại vô cùng phát triển và giàu có. Được mệnh danh là đất nước đa chủng tộc giữa lòng Châu á và được xếp trong danh sách những thành phố sạch nhất thế giới, Đoàn nghệ thuật quốc gia Singapore đã mang đến cho khán giả một tiết mục nhảy múa tổng hợp sôi động, được thể hiện bởi những cô gái khỏe mạnh, nước da nâu bóng, nụ cười rạng rỡ đến từ các dân tộc người Hoa, Mã Lai, ấn Độ…. Tiết mục tổng hợp nhưng các nghệ sĩ vẫn giữ được nét riêng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và các lễ hội của mình, khẳng định vì sao Singapore lại thu hút nhiều khách du lịch đến như vậy.
Tiếp tục hành trình, khi đi vào hang Địa Linh và khám phá tuyến mới khu du lịch Tràng An - hang Địa Linh dài 1.000 m với số lượng thạch nhũ còn đang phát triển, những nhũ đá óng ánh lung linh với đủ sắc màu khiến du khách mải mê nhìn ngắm, chụp ảnh; thì ngay khi đi ra khỏi hang, du khách bắt gặp ngay thắng cảnh nên thơ của sông nước Tràng An hòa quyện cùng màn nhảy múa dân tộc của những nghệ sĩ đất nước Myanmar. Những cô gái Myanmar trang điểm khuôn mặt của mình rất riêng bằng những loại bột màu xanh, đỏ, trắng, vàng.. cùng những bộ trang phục dân tộc độc đáo nhảy múa cùng các nhạc cụ như trống, đàn tre, sáo, bộ dây, gõ… hòa tấu thành một màn nhảy múa sôi động, vui tươi, nhận được sự cổ cũ, reo hò của đại biểu và du khách.
Lễ hội Tràng An năm 2018 là dịp để Ninh Bình chào đón các Đoàn nghệ thuật trong nước và trong khu vực ASEAN về tại Quần thể danh thắng Tràng An để hội tụ và giao lưu văn hóa truyền thống. Lúc này, dòng sông di sản Tràng An rực rỡ các sắc màu văn hóa đặc trưng của các vùng, miền các dân tộc Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Nhiều du khách khẳng định, đây là một lễ hội độc đáo và ấn tượng nhất từ trước tới nay - một Khu du lịch sinh thái ấn tượng bởi hang động, sông nước, núi non và độc đáo bởi những hoạt động nghệ thuật đa sắc màu, đa dân tộc.
Mỹ Hạnh