Lo lắng vì hiểu chưa đúng
Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN "Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 30-12-2016 và có hiệu lực kể từ 15-3-2017, thì tới đây, các đối tượng không phải là pháp nhân (hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn ngân hàng. Quy định này phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 vừa qua.
Theo các chuyên gia về luật pháp, đây là thông lệ chung trên toàn thế giới. Như vậy sắp tới, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ kinh doanh như trước đây nữa.
Điều này đồng nghĩa với việc, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân và trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn. Với quy định mới này, các hộ kinh doanh muốn vay vốn ngân hàng sẽ phải chuyển đổi tư cách sang doanh nghiệp, hoặc vay theo cá nhân chủ sở hữu, trả nợ theo tư cách cá nhân.
Thông tin trên khiến không ít hộ kinh doanh gia đình tỏ ra hoang mang, lo lắng. Ông Nguyễn Trung Viết, chủ cửa hàng kinh doanh giày dép tại thành phố Ninh Bình cho biết: Để mở cửa hàng trên, ông đã phải thế chấp căn nhà đang ở vay 350 triệu đồng với lãi suất 9%/năm từ Ngân hàng, kỳ hạn một năm. Ông Viết cho biết: "Mỗi tháng riêng tiền lãi phải trả gần 3 triệu đồng.
Ngoài ra, với hàng loạt khoản thuế, phí phải chi như hiện nay, lời lãi thu về cũng chỉ đủ đáp ứng chi tiêu trong gia đình. Tới đây tôi sẽ không được vay với lãi suất dành cho hộ kinh doanh nữa mà chỉ có thể vay với tư cách cá nhân theo lãi suất tiêu dùng. Điều này cũng có nghĩa tôi phải đi vay với lãi suất cao hơn so với trước đây. Nếu phải vay với lãi suất cao thì hộ gia đình kinh doanh nhỏ như chúng tôi không thể có lợi nhuận phù hợp với công sức mình bỏ ra".
Gia đình chị Lê Thị Lộc có cửa hàng ăn uống tại huyện Hoa Lư cho biết: Gia đình tôi kinh doanh ăn uống được hơn bốn năm, công việc khá thuận lợi. Tôi cũng vay vốn của Ngân hàng gần 300 triệu đồng.
Qua tìm hiểu tôi được biết, theo quy định mới của NHNN thì vay kinh doanh theo hộ gia đình sẽ không còn phù hợp, chắc chắn hợp đồng vay vốn của gia đình chị sẽ phải thay đổi và chưa biết có được vay nữa hay không vì nghe nói chị phải thành lập công ty mới được vay.
Chị Lộc lo lắng: Lâu nay tôi chỉ quen buôn bán nhỏ, không muốn lên công ty vì không đủ điều kiện quản lý sổ sách, thủ tục thuế, thanh tra, kiểm tra... Nếu buộc phải thành lập Công ty mới được vay tiền thì sẽ rất khó khăn cho tôi".
Cũng như các hộ gia đình trên, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác cũng lo lắng trước quy định trên. Lý do là với người kinh doanh thì ngoài vốn tự có, họ phải vay vốn Ngân hàng. Nếu Ngân hàng không cho vay nữa thì chưa biết vay ở đâu mà thủ tục chuyển đổi hình thức kinh doanh sang doanh nghiệp rất phức tạp và không cần thiết đối với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ như hiện nay của đa số các hộ.
Làm rõ các quy định về tín dụng
Thực tế hiện nay, hộ kinh doanh đang chiếm con số rất lớn và góp phần tích cực vào nền kinh tế quốc dân. Chính vì thế, để khuyến khích hộ gia đình kinh doanh, tùy từng ngân hàng đã có mức lãi suất phù hợp dành cho hộ kinh doanh và thông thường thấp hơn khoảng 0,5%-1%/năm so với cho vay cá nhân tiêu dùng.
Việc Ngân hàng Nhà nước ban thành Thông tư 39 nhiều người cho rằng mới chỉ đáp ứng về mặt pháp lý là bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng chứ chưa nhìn về mặt thực tế cuộc sống. Đó là hiện nay đang tồn tại hàng triệu hộ kinh doanh cá thể được hưởng chính sách riêng để khuyến khích đối tượng này phát triển chứ không phải khuyến khích cá nhân.
Từ thực tế trên, đại diện một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng ngân hàng Nhà nước phải có hướng dẫn cụ thể hoặc tạo một số điều kiện riêng cho các hộ kinh doanh này, khi mà tới đây họ buộc phải đi vay với tư cách là cá nhân và không còn được hưởng các quy định ưu đãi về lãi suất nữa. Nhiều hộ kinh doanh cũng đề nghị cần phải có thời gian cần thiết để họ chuẩn bị cũng như làm lại hợp đồng… với Ngân hàng khi quy định mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Ninh Bình, chúng tôi được biết: Quy định trong Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi.
Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ kinh doanh như trước đây nữa. Và trong thông báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ.
Như vậy, để vay vốn, các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay. Nói cách khác, việc vay vốn sẽ tiến hành bằng danh nghĩa từng cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh.
Phúc Nguyên