Chủ động cải cách hành chính thuế
Để kịp thời hỗ trợ và sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất, trong những năm qua ngành Thuế Ninh Bình đã triển khai có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế cho doanh nghiệp do Quốc hội và Chính phủ ban hành.
Cụ thể như: Năm 2011, ngành Thuế Ninh Bình thực hiện giảm 30% và giãn số thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực sản xuất; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ một số hoạt động khác của cá nhân.
Năm 2012, thực hiện giảm 30% và giãn số thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ một số hoạt động khác của cá nhân.
Năm 2013, 2014, ngành Thuế thực hiện giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, miễn thuế khoán và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ, cá nhân và tổ chức kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh...
Theo ông Hà Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thường xuyên về dịch vụ nộp thuế điện tử. Số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử trên cổng điện tử của cơ quan thuế đạt 99%/tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Cục thuế cũng đã triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung cho Văn phòng Cục thuế và 8 Chi cục Thuế.
Đến nay, các đơn vị trong toàn ngành Thuế đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ công tác kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế.
Hàng năm ngành Thuế đã tổ chức các hội nghị tập huấn, đối thoại và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế.
Trên cơ sở những giải pháp mà ngành Thuế đã triển khai thực hiện, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội mới về chính sách để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát huy được lợi thế của mình đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.
Chỉ tính riêng năm 2015, tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp đạt gần 3.500/4.368 tỷ đồng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đối với lĩnh vực Hải quan, hiện nay Chi cục Hải quan Ninh Bình đã thực hiện chế độ một cửa toàn bộ các dây chuyền nghiệp vụ gồm 5 bước theo quy trình của Tổng cục Hải quan từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi cục.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã triển khai thực hiện thủ tục Hải quan điện tử, do đó giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu. Thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo Hải quan các cấp.
Duy trì thường xuyên hoạt động của tổ giải quyết vướng mắc thủ tục hải quan. Chi cục Hải quan còn tổ chức định kỳ hội nghị đối thoại "Hải quan- doanh nghiệp" nhằm nắm được kế hoạch xuất, nhập khẩu, từ đó chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thủ tục hải quan và chính sách, cơ chế điều hành.
Tăng cường hỗ trợ về nguồn vốn
Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Nhờ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi và trên đà phát triển.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đến hết tháng 4-2016 ước đạt 45.858 tỷ đồng, tăng 4,3% so với thời điểm 31-12-2015. Các ngân hàng đã thực hiện tốt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng cấp trên về hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp.
Hiện lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn, thấp nhất là 3,7%/năm, cao nhất là 15%/năm.
Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Ước tính trong 4 tháng đầu năm, tổng nợ được cơ cấu lại của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn là 1.830 tỷ đồng, giảm 5,38% so với thời điểm 31-12-2015; tổng nợ được xử lý rủi ro là 466 tỷ đồng.
Qua đó góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng- doanh nghiệp, các chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực tìm kiếm các khách hàng doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án, dự án kinh doanh khả thi tham gia chương trình.
Hiện toàn tỉnh đã có 93 doanh nghiệp được ký kết hỗ trợ vay vốn với số tiền cam kết 2.215 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.525 tỷ đồng. Chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường với số tiền cam kết hỗ trợ là 34,65 tỷ đồng, hiện dư nợ đạt 26,07 tỷ đồng với lãi suất cho vay là 7%/năm.
Cùng với những chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp của ngành Ngân hàng, tỉnh Ninh Bình đã bổ sung thêm vốn cho Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh.
Đồng thời mở rộng phạm vi, ngành nghề dự án được hỗ trợ vay vốn từ quỹ này với mục tiêu hỗ trợ các dự án có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội cho tỉnh, có nhiều ảnh hưởng trong việc phát triển của các ngành nghề.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng phát triển.
Theo ý kiến đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, hiện nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế Ninh Bình nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi với những tín hiệu rất khả quan.
Tuy nhiên, bên cạnh sự trợ giúp của Trung ương, của tỉnh, đòi hỏi tự thân các doanh nghiệp cũng phải có phương án sản xuất, kinh doanh, quản trị tài chính hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn của nền kinh tế; tăng cường khả năng liên kết và hợp tác của doanh nghiệp để huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm được chi phí tài chính.
Thiết nghĩ, khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ, chắc chắn hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ có những mảng màu tươi sáng hơn.
Nguyễn Thơm