Tính đến hết tháng 9/2018, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 861.671 người, tăng 23.906 người so với cùng kỳ năm 2017, đạt 99,7% so với dự toán giao năm 2018. Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc là 111.564 người, đạt 100,28% dự toán giao; tham gia BHXH tự nguyện là 3.200 người, đạt 80,2% dự toán giao, tỷ lệ đạt cao thứ 2 so với toàn quốc; tham gia BHTN là 99.725 người, đạt 97,3% dự toán giao. Đối tượng tham gia BHYT là 858.471 người, tăng 23.321 người (2,8%) so với cùng kỳ năm 2017, đạt 99,8% dự toán giao, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 89,1% (dân số 963.298 người), vượt 6,6% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 82,5%.
Đạt được những kết quả đáng phấn khởi đó, BHXH tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Ngoài chính sách quy định chung thực hiện trong cả nước, tỉnh Ninh Bình là một trong những tỉnh đi đầu trong việc trích ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng như: hỗ trợ 30% kinh phí đóng cho đối tượng người cận nghèo; 100% kinh phí cho người cao tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi; 20% kinh phí cho HSSV và người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình và 100% mức đóng cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh.
Để các chính sách BHXH, BHYT, BHTN được tuyên truyền đến người dân, BHXH tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền đối thoại với nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, với người lao động tại các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Ban quản lý các KCN và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với người lao động tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh; tập trung tuyên truyền, giải đáp các vướng mắc về chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức khoảng 250 hội nghị, với trên 50.000 người tham gia.
Ngành BHXH đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký tham gia, thu, cấp sổ BHXH và giải quyết các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua giao dịch điện tử, một cửa liên thông và qua tổ chức cung ứng dịch vụ công (bưu điện). Công khai thông tin về các đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT số lượng lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình, Đài phát thanh 3 cấp. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Đến nay, BHXH tỉnh đã ký kết quy chế, chương trình phối hợp với các cơ quan: Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội phụ nữ tỉnh, Công an tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh….. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã cũng phối hợp trong việc chia sẻ dữ liệu quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động, xác định rõ lao động của doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN và yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đầy đủ theo quy định. Qua công tác phối hợp và chia sẻ dữ liệu, tính từ tháng 1/2016 đến 30/9/2018, cơ quan BHXH đã khai thác được 292 đơn vị, với 1.299 lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Ngành BHXH cũng thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về việc đóng, hỗ trợ đóng BHXH của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Năm 2016 đã tổ chức 20 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 102 đơn vị sử dụng lao động và 8 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; năm 2017 thực hiện tại 145 đơn vị sử dụng lao động và cơ sở KCB; 9 tháng đầu năm 2018 tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 107 đơn vị sử dụng lao động và cơ sở KCB.
Ngành BHXH cũng đã tập trung phát triển mạng lưới đại lý thu đến các phường, xã, thôn, phố, xóm… Đã tổ chức ký hợp đồng đại lý thu với: UBND xã, Bưu điện, Hội Nông dân, Trung tâm y tế, Hội Phụ nữ để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Hiện nay, trên địa bàn có 726 điểm thu BHXH, BHYT với 1.347 nhân viên đại lý thu. Đồng thời, cơ quan BHXH đã phân công viên chức phụ trách đơn vị và từng địa bàn xã, phường, thị trấn, đại lý thu, giao chỉ tiêu nợ và phát triển đối tượng gắn liền với việc đánh giá thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân hàng quý và cả năm.
Xác định phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là nhiệm vụ "cốt lõi", do đó, nhiệm vụ thời gian tới được ngành BHXH tập trung vào đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng. Trong đó quan tâm hơn nữa đến các hình thức truyền thông, tuyên truyền, đối thoại; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, người tham gia BHYT; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nợ đọng, không ngừng nâng cao chất lượng KCB BHYT, tạo niềm tin cho người dân khi tham gia BHXH, BHYT.
Hạnh Chi