Theo báo cáo 3 tháng đầu năm 2018, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 63.199 tỷ đồng, tăng 0,35% so với đầu năm. Trong đó cho vay ngắn hạn chiếm 61,6%, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 38,4%.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất. Theo đó, lãi suất cho vay dưới 7% chiếm 12,4%, lãi suất từ 7-9% chiếm 24,3%; lãi suất từ 9-11% chiếm 51,6%, lãi suất trên 11% chiếm 11,7%.
Các ngân hàng cũng đã thực hiện cho vay lãi suất ưu đãi ở mức 6,5%-7,5% đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Một số ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng doanh nghiệp như cho vay chứng minh năng lực tài chính của Ngân hàng Sài Gòn- Hà Nội, cho vay không tài sản đảm bảo đối với đối tượng hưởng lương ngân sách nhà nước của Ngân hàng TMCP Hàng hải Ninh Bình.
Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh và của NHNN Việt Nam, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Với vai trò chủ đạo, NHNN Chi nhánh tỉnh đã và đang quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng trên địa bàn thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp bằng cách giảm chi phí cho vay; cơ cấu điều chỉnh lại thời hạn trả nợ, hạn mức cho vay.
Đến hết quý I tổng dư nợ được cơ cấu lại của các NHTM và tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn là 3.337 tỷ đồng, trong đó chi nhánh ngân hàng phát triển tỉnh cơ cấu lại nợ cho Nhà máy Đạm Ninh Bình là 2.696 tỷ đồng. Tổng nợ xấu được xử lý rủi ro từ đầu năm đến nay là 759 tỷ đồng. Các NHTM, TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt việc quản lý nợ xấu, chính vì thế hầu hết các chi nhánh NHTM, TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên, dưới 1%.
Bên cạnh đó các NHTM trên địa bàn đã rà soát đánh giá lại tài sản bảo đảm tiền vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn theo đúng quy định. Chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn. Đặc biệt ưu tiên vốn vay ưu đãi cho các lĩnh vực: Nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi sự doanh nghiệp...
Đến hết quý I, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm, chiếm 25% tổng dư nợ các chi nhánh NHTM trên địa bàn; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới ước đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 2,8%, chiếm 21% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 754 tỷ đồng, tăng 70,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ước đạt 274 tỷ đồng; dư nợ cho vay du lịch đạt 1.282 tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm...
Ngoài việc triển khai các chính sách tiền tệ, NHNN Chi nhánh tỉnh còn đẩy mạnh phối hợp thực hiện các chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Với sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã thực sự mang lại hiệu quả.
Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày càng mở rộng; nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của các ngân hàng đối với doanh nghiệp. Thông qua chương trình kết nối, đã có hàng trăm doanh nghiệp được tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất hợp lý giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với các giải pháp đồng bộ, sự phối hợp hiệu quả của ngành ngân hàng với các đơn vị, địa phương trong tỉnh, hy vọng trong thời gian tới việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp sẽ thực sự hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bài, ảnh: Bảo Yến