Thực trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM Không thể phủ nhận một thực tế là sau hơn 5 năm triển khai xây dựng chương trình NTM, diện mạo nông thôn ở các làng quê đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nổi bật là cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an sinh xã hội được quan tâm và ngày càng đảm bảo…
Tuy nhiên, do đẩy nhanh tiến độ về đích NTM, các xã đã tập trung đầu tư xây dựng hàng loạt các công trình dẫn đến sau khi về đích NTM còn để tồn đọng nợ xây dựng cơ bản các công trình kéo dài, khó thanh toán, với số nợ nhiều tỷ đồng.
Đối với xã Gia Tân (Gia Viễn), khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM, xã cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Cát Đằng, Chủ tịch UBND xã, thời điểm đó, các tuyến đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi còn đạt rất thấp so với tiêu chí quy định.
Cơ sở vật chất, văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu, chưa có nhà văn hóa xã, các nhà văn hóa thôn xóm còn tạm bợ, không đủ điều kiện sinh hoạt và hội họp của nhân dân. Các chương trình, dự án lồng ghép triển khai chậm. Mặt khác, mặt bằng kinh tế, đời sống dân cư trên địa bàn xã không đồng đều dẫn đến hạn chế trong thực hiện các tiêu chí…
Trước thực tế đó, được sự động viên của Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Viễn, với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận, chung sức của nhân dân, Gia Tân đã nỗ lực hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015, tạo nên diện mạo mới cho quê hương.
Theo đó, xã đã huy động được trên 243 tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó nhân dân tham gia, đóng góp 118 tỷ đồng. Các công trình điện, đường, trường học, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, phục vụ thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Sau khi hoàn thành NTM, Gia Tân còn nợ đọng xây dựng cơ bản trên 20 tỷ đồng.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Gia Tân, để giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, xã đã họp bàn và đề ra nhiều giải pháp thực hiện nhằm phấn đấu nhanh chóng trả hết nợ.
Theo đó, cùng với việc tiếp tục huy động các nguồn vốn xã hội hóa, sự đóng góp, ủng hộ của con em quê hương, tập trung đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân thì giải pháp chủ yếu và trước mắt của xã vẫn là trông chờ vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương.
Với lợi thế có những khu đất bám mặt đường liên xã, có giá trị sử dụng cao, xã dự kiến trong năm 2016 đấu giá đất ở các khu vực này sẽ cơ bản trả hết số nợ đang có.
Cũng như xã Gia Tân, mặc dù khá chủ động trong việc giải quyết nợ trong xây dựng NTM, nhưng xã Yên Hòa (Yên Mô) cũng gặp nhiều khó khăn trong giải quyết số nợ này.
Đồng chí Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã đầu tư xây dựng một loạt các công trình phúc lợi công cộng, như khu liên hợp thể thao; nâng cấp, xây dựng 3 trường mầm non, trạm y tế xã và một số hạng mục công trình quan trọng khác.
Đến nay, sau gần một năm đón danh hiệu xã đạt chuẩn NTM, Yên Hòa còn nợ hơn 3 tỷ đồng tiền xây dựng cơ bản. Tuy số nợ không nhiều nhưng việc giải quyết nợ đọng rất khó khăn do ngân sách xã có hạn, nguồn đất để đấu giá không có nhiều và giá trị thấp.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến cho nhiều xã còn nợ đọng số tiền lớn trong xây dựng NTM là do nguồn ngân sách của huyện, xã chưa đáp ứng nhu cầu cân đối vốn tại địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong khi nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm không thể cân đối bố trí trả hết nợ.
Một số xã xây dựng các công trình hạ tầng có quy mô quá lớn, vượt chuẩn theo quy định như: Nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học…
Bên cạnh đó, nhiều xã xây dựng NTM chưa thực hiện triệt để cơ chế đầu tư đặc thù, tạo chi phí phát sinh khá lớn trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện dự án, do yêu cầu sớm hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, nhiều chủ đầu tư đã thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, ứng vốn để thi công dẫn đến khối lượng thực hiện vượt nhiều so với số vốn trong kế hoạch…
Nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm nợ đọng
Đến hết năm 2015, tỉnh Ninh Bình có 40 xã đạt chuẩn NTM, bằng 33,6% tổng số xã trong tỉnh, vượt chỉ tiêu 15 xã so với kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn. Tuy nhiên, hiện nay, nợ xây dựng cơ bản của 40 xã đã đạt chuẩn NTM là trên 500 tỷ đồng.
Xã Gia Phú (Gia Viễn) năm nay phấn đấu về đích NTM, hiện xã đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn lại như xây dựng trụ sở UBND xã, chỉnh trang một số hạng mục cơ sở hạ tầng cần thiết, phấn đấu khi về đích NTM vào cuối năm 2016 không để lại nhiều nợ đọng tiền xây dựng cơ bản.
Đồng chí Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: Ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM thì bài toán về trả nợ xây dựng cơ bản đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Xã đã chú trọng xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Cùng với đó, vận động và huy động được nguồn lực lớn từ sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp và con em quê hương. Đồng thời quy hoạch sớm quỹ đất để đấu giá giá trị quyền sử dụng đất… Trên cơ sở dự tính huy động nguồn lực để "liệu cơm, gắp mắm"...
Đến nay, còn một số tiêu chí của xã đang hoàn thiện, điều đáng mừng là số nợ xây dựng cơ bản không nhiều. Đảng bộ và chính quyền xã tin rằng, khi kết thúc chương trình xây dựng NTM, với sự quan tâm, trợ giúp của Nhà nước, sự chung tay, đóng góp của nhân dân, niềm vui về đích NTM của cán bộ và nhân dân xã Gia Phú sẽ vui vẻ, trọn vẹn, không mang nhiều nỗi lo nợ nần.
Đối với xã Đồng Phong (Nho Quan), khi về đích NTM năm 2015, xã cũng còn nợ đọng số tiền gần 5 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã Đồng Phong cho biết: Khi về đích NTM, xã xác định đó là niềm vui lớn nhưng cũng còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc duy trì và nâng cao các tiêu chí, đồng thời phấn đấu trả hết số nợ xây dựng cơ bản trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, đối với các nhà văn hóa thôn, xóm đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng nhưng còn nợ đọng, xã chỉ đạo cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu ủng hộ tiền của; đồng thời kêu gọi con em xa quê làm ăn phát đạt tiếp tục có những đóng góp để đầu tư xây dựng các công trình, tuyến đường còn dang dở hoặc bị xuống cấp.
Cùng với đó, xã huy động các tổ chức, đoàn thể tích cực chuyển giao KHKT cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân quy hoạch vùng, diện tích lớn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đóng góp vào nguồn thu của xã.
Đặc biệt, xã cũng quy hoạch và tiến hành đấu giá đất những khu đất có giá trị cao, cho nguồn thu đáng kể… Bằng kế hoạch trả nợ từng bước, theo lộ trình, mỗi năm một ít, xã phấn đấu hết năm 2016 sẽ thanh toán cơ bản số tiền còn nợ đọng.
Có thể thấy, phần lớn các xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh hiện nay đều trông chờ vào nguồn kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất để trang trải nợ xây dựng cơ bản. Điều này dẫn đến nợ đọng kéo dài và khó khăn trong quá trình trả nợ.
Do vậy, vấn đề đặt ra là ngay khi triển khai xây dựng NTM phải có kế hoạch phối hợp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án đầu tư, chỉ phê duyệt dự án đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn; rà soát, đánh giá các dự án đầu tư, tập trung bố trí nguồn lực đối với các dự án có hiệu quả, dự án cấp bách, cắt giảm và dừng các dự án không có hiệu quả.
Đồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch NTM; chú trọng đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản gắn với phát triển sản xuất, đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng xã giai đoạn 2016- 2020; đầu tư cơ sở hạ tầng tăng quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thanh toán nợ xây dựng cơ bản và tăng cường đầu tư duy trì, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất đã có.
Phấn đấu để việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM phải hướng đến mục tiêu bền vững và phát huy hiệu quả các công trình đã có, tránh tình trạng nợ đọng, lãng phí, phát sinh nợ, từ đó mới thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu và sự hài lòng của nhân dân.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh