Xác định tầm quan trọng của Chỉ thị số 22-CT/T.Ư đối với việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị đến công đoàn cơ sở và đoàn viên, công chức, viên chức lao động, đồng thời phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị quán triệt đến người sử dụng lao động, Chủ tịch công đoàn các doanh nghiệp.
Ngoài ra, để nhanh chóng đưa Chỉ thị vào cuộc sống, LĐLĐ tỉnh còn ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động. Trong đó tập trung bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn cơ sở về an toàn vệ sinh lao động; kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể; việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể cho các đối tượng khác nhau; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; xây dựng góc tuyên truyền về bảo hộ lao động tại các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. 5 năm, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 192 lớp tập huấn, 979 buổi truyền thông chuyên đề với hơn 1.000 cuộc truyền thông lồng ghép giáo dục pháp luật cho gần 47,7 nghìn lượt công nhân viên chức lao động; in ấn và cấp phát gần 145 nghìn tờ rơi, 4.890 cuốn sổ tay tuyên truyền pháp luật; phát hành 26,5 nghìn cuốn bản tin "Lao động và Công đoàn".
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản về chính sách kinh tế - xã hội của địa phương; tham gia nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật BHYT, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi người lao động như: việc thực hiện quy chế dân chủ ở nơi làm việc, xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, quy chế trả lương, thưởng; các quy định về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ... theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Nhằm nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia quản lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức lao động, hàng năm, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức các hội nghị cán bộ công chức, đại hội công nhân viên chức và hội nghị người lao động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 100% doanh nghiệp nhà nước tổ chức Đại hội công nhân viên chức; trên 60% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng được nội quy lao động. Các công ty, doanh nghiệp khi tổ chức Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị người lao động đều thực hiện việc công khai các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp đến công nhân viên chức và người lao động; nội quy, quy chế của doanh nghiệp; công khai tài chính, tiền lương, quỹ phúc lợi; việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ…
Tại các hội nghị, người lao động được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp và được tham gia xây dựng, bổ sung nội quy, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất các biện phápliên quan đến việc đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường; cải thiện điều kiện làm việc...
Bên cạnh đó, nhiều công đoàn cơ sở đã phát huy tốt vai trò là người đại diện để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Đến nay, đã có 167 doanh nghiệp tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội dung các bản thỏa ước lao động có nhiều đổi mới theo hướng ngắn ngọn, tập trung vào những vấn đề được đông đảo người lao động quan tâm như chế độ phúc lợi tập thể; thời gian làm việc, nghỉ ngơi; chế độ đối với lao động nữ; tiền lương, tiền thưởng; ở một số doanh nghiệp còn ghi đầy đủ các nội dung về phụ cấp thâm niên, thưởng chuyên cần, thưởng sáng kiến, phụ cấp xăng xe, tổ chức tham quan, du lịch…
Trên cơ sở đó, lãnh đạo doanh nghiệp có sự gắn bó, trách nhiệm với công nhân, viên chức trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, tạo thêm việc làm cho người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của chủ doanh nghiệp và của người lao động.
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/T.Ư, trong 5 năm qua, các cấp Công đoàn còn bám sát cơ sở, chủ động nắm tình hình việc làm, đời sống, tư tưởng, những bức xúc của người lao động, kiến nghị nhiều giải pháp hạn chế đình công, lãnh công, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết có hiệu quả 21 vụ tranh chấp lao động tập thể. Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan quy hoạch 50 ha đất làm nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Gián Khẩu và Khánh Phú, hiện đã có 4 doanh nghiệp xây dựng được nhà ở miễn phí cho 740 công nhân, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động, đặc biệt là người lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý lao đ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến người lao động trong các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Quốc Khang