Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp chị Đinh Thị Mơ, công nhân của Công ty Sanico (Gia Viễn) không thể tăng ca dù rất muốn có thêm thu nhập để trang trải trong dịp Tết Nguyên đán. Thay vì chạy đua với thời gian để cải thiện thu nhập dịp cuối năm như trước đây thì hiện nay mỗi ngày làm việc của chị và nhiều công nhân khác thường kết thúc sớm, từ lúc 16h30.
"Không được tăng ca đồng nghĩa với việc chúng tôi chỉ có thể trông vào đồng lương ít ỏi. Với nhiều khoản chi tiêu cho gia đình dịp Tết thì đây thực sự là một thách thức."- chị Mơ chia sẻ.
Hiện mức lương chị Mơ được nhận mỗi tháng là 4,5 triệu đồng, nó được coi là tạm ổn với những chi phí sinh hoạt thường ngày của gia đình chị. Nhưng vào dịp lễ, tết với đủ các khoản phát sinh thì chị phải tằn tiện hơn, cân nhắc nhiều hơn để chi tiêu.
Chị nhớ lại: Trước đây, những tháng cuối năm chúng tôi tăng ca cũng kiếm thêm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng giờ đây Công ty gần như không tổ chức tăng ca vì ít đơn hàng. Được biết, từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Công ty Sanico đã phải cắt giảm khoảng 200 lao động. Hiện tại để có thể duy trì việc làm ổn định và chế độ phúc lợi cho 500 công nhân đã là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.
Cũng trong tình cảnh khó khăn vì dịch COVID-19, chỉ đến thời điểm trước Tết khoảng 2 tuần công nhân của Công ty Chiachen (Yên Khánh) mới có thể đăng ký làm tăng ca. Dù không nhiều nhưng khoản tiền tăng thêm khoảng 1 triệu đồng cũng đã giúp người lao động vơi bớt nỗi lo sau 1 năm thấp thỏm vì dịch bệnh.
Anh Nguyễn Tuấn Vũ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cho biết: Công ty Chiachen chuyên sản xuất các loại ốc vít cho các hãng xe máy Honda, Piagio… Thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch, sức mua các mặt hàng xe giảm sút dẫn đến đơn hàng của chúng tôi cũng ít đi, có thời điểm công ty phải cho công nhân làm việc luân phiên, cả năm vừa qua hầu như không tổ chức tăng ca. Doanh nghiệp đã phải cố gắng rất nhiều để đảm bảo việc làm và mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng mỗi tháng cho người lao động.
Rất may là dịp này theo yêu cầu của đối tác, Công ty đang cần hoàn thành gấp đơn hàng để kịp giao vào đầu năm mới nên người lao động có thể tăng ca để cải thiện thu nhập, dù không nhiều…
Theo thông tin từ Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh: Năm 2021 mặc dù tình hình việc làm của người lao động ít biến động hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động tăng ca không còn sôi động như những năm trước, nhiều doanh nghiệp không tăng ca hoặc tăng ca ít hơn vì số lượng đơn hàng cũng hạn chế hơn thời điểm chưa có dịch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, nhất là khi Tết đến, xuân về.
Để đồng hành với công nhân trong giai đoạn khó khăn này, các cấp công đoàn đã và đang nỗ lực huy động nhiều nguồn lực để trao tặng các phần quà thiết thực cho lao động nghèo, hỗ trợ vé xe cho lao động về quê ăn Tết, kêu gọi các mạnh thường quân giúp gia đình công nhân xây, sửa nhà "mái ấm công đoàn"....
Đồng thời tham mưu cho các doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ các chế độ phúc lợi và thưởng Tết. Còn tại một số doanh nghiệp (may mặc, sản xuất giày, sản xuất linh kiện điện tử…) đang duy trì được việc tăng ca cho công nhân, tổ chức công đoàn đã và đang tăng cường tham gia giám sát việc chấp hành Luật Lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công nhân, nhất là về chế độ tiền lương, chế độ làm thêm giờ; tuyên truyền để chủ sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật có liên quan...
Đồng thời tham mưu cho chủ doanh nghiệp tổ chức tăng ca nhưng cần tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho người lao động, để người lao động có đủ thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.
Bài, ảnh: ĐÀO DUY