Chuẩn bị và thực hiện tốt nội dung chương trình kỳ họp
Kỳ họp thứ 21 là kỳ họp thường lệ cuối cùng của năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2021, tập trung vào những nội dung quan trọng như: xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025;
Xem xét các báo cáo công tác, báo cáo chuyên đề của các cơ quan trình tại kỳ họp theo quy định; thảo luận, xem xét, thông qua 20 dự thảo nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền; thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn về những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Với tầm quan trọng của kỳ họp, quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị từ khâu tổ chức sớm hội nghị liên tịch thống nhất nội dung kỳ họp; phân công các cơ quan, đơn vị soạn thảo và các Ban của HĐND tỉnh phối hợp thẩm tra ngay từ quá trình xây dựng đề án; xây dựng chương trình kỳ họp khoa học, hợp lý, phân công cụ thể người điều hành từng phiên họp và xử lý linh hoạt những vấn đề phát sinh; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp, chỉ đạo gửi tài liệu qua hộp thư điện tử, tạo điều kiện để các đại biểu tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời.
Tham dự kỳ họp, đại biểu Nguyễn Sĩ Trí (Hoa Lư) nhận xét: Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 20 kỳ họp, đến kỳ họp thứ 21 này, công tác chuẩn bị cho kỳ họp phải khẳng định là chủ động, bài bản, khoa học và chu đáo; đơn cử việc chuẩn bị, gửi tài liệu cho đại biểu nghiên cứu từ sớm đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đại biểu phát huy vai trò, năng lực của mình trong quá trình chuẩn bị cũng như tham gia các nội dung tại kỳ họp.
Đồng thời thể hiện rất rõ sự tích cực đổi mới công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp theo hướng phát huy dân chủ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh; thực hiện sáng tạo, linh hoạt các quy định của pháp luật trong hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
Đại biểu Thích Thọ Lạc, Thượng tọa, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho rằng qua kỳ họp này, đã cho thấy chất lượng hoạt động của HĐND ngày càng nâng cao, phát huy dân chủ. "Tôi ấn tượng với điều hành của Thường trực HĐND đã bám sát các vấn đề nhạy cảm, gợi ý thảo luận thẳng vấn đề được nhiều cử tri quan tâm", đại biểu Thích Thọ Lạc chia sẻ.
Ban hành nhiều nghị quyết tạo nền tảng pháp lý cho cả một giai đoạn phát triển
Tính đến trước kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đã ban hành gần 300 nghị quyết đảm bảo đúng thể thức, nội dung bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều cơ chế, chính sách sát hợp với thực tiễn, hướng về cơ sở, được nhân dân đồng tình, tích cực triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực.
Đến kỳ họp thứ thứ 21 này, HĐND tỉnh thảo luận, xem xét, thông qua 20 dự thảo nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền. Ngoài Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tỉnh Ninh Bình, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tỉnh Ninh Bình, còn có những nghị quyết tạo nền tảng pháp lý cho cả một giai đoạn phát triển như: Nghị quyết về việc thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án số 14/DA-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh về việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025.
Có những nghị quyết tác động lớn đến đội ngũ cán bộ cơ sở như: Nghị quyết về việc Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; chức danh, số lượng, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
Nghị quyết về việc Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do bố trí, sắp xếp theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã; chính sách hỗ trợ đối với Trưởng Công an, Phó trưởng Công an, Công an viên thường trực dôi dư do bố trí Công an chính quy về xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đại biểu Nguyễn Thị Tỉnh, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nêu quan điểm đồng tình cao với những nghị quyết mà HĐND tỉnh thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Đại biểu cho rằng Nghị quyết về việc Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; chức danh, số lượng, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là rất phù hợp bởi tỉnh đang từng bước sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần các nghị quyết Trung ương, nên vấn đề siết chặt lại bộ máy hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay. "Với vai trò là đại biểu HĐND và là người làm công tác dân vận, sau kỳ họp, tôi sẽ cố gắng tuyên truyền để cử tri hiểu rõ sự cần thiết phải ban hành nghị quyết quan trọng này", đại biểu Nguyễn Thị Tỉnh nói.
Vân Giang