Theo bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), tính đến 15/9/2019, lũy tích phát hiện nhiễm HIV/AIDS ở Ninh Bình là 4.070 người. Trong đó, tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.796 người; tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống là 1.182 người và tổng số trường hợp tử vong do AIDS là 1.092 người. Trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 81 trường hợp nhiễm HIV; số chuyển AIDS là 24 trường hợp và 05 ca tử vong do AIDS.
Trong chương trình điều trị Methadone thay thế các chất dạng thuốc phiện, toàn tỉnh hiện có 817 bệnh nhân đang điều trị Methadone, trong đó có 684 bệnh nhân điều trị liều duy trì, đạt 84%. Tổng số người hiện đang được điều trị ARV là 1.242 người, đạt 95,5% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2019 (1.300 người), trong đó có 41 trẻ em. Hiện tổng số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế là 1.068/1.117 người, chiếm tỷ lệ 96%. Từ đầu năm 2019 đến nay, thực hiện Kế hoạch 111 của UBND tỉnh, đã phê duyệt mua và cấp thẻ BHYT cho 148 người, trong đó 139 bệnh nhân đang điều trị ARV và 9 người nhiễm HIV ngoài cộng đồng...
Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng dự phòng và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh đã kiện toàn, củng cố và mở rộng các điểm cấp thuốc đến tận xã, phường; tăng cường năng lực cho các cán bộ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tuyến, bảo đảm cơ sở vật chất, cung cấp vật tư và hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao. Cùng với đó, thường xuyên rà soát, tư vấn, vận động để cộng đồng tự nguyện làm xét nghiệm phát hiện HIV sớm; tiếp cận điều trị ARV sớm; vận động người nghiện chích ma túy tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Hiện toàn tỉnh có 9 cơ sở điều trị HIV/AIDS cho người bệnh. Bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở điều trị tới thời điểm này vẫn đang được Dự án Quỹ Toàn cầu cung cấp thuốc kháng ARV, thuốc dự phòng, xét nghiệm tải lượng virus HIV, xét nghiệm tế bào CD4, còn những xét nghiệm cơ bản và thuốc hỗ trợ khác được thanh toán qua nguồn BHYT. Ngành y tế cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn từng bước nâng cao chất lượng, dịch vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS. Tất cả các phòng khám ngoại trú đến nay đều đã thực hiện thanh toán qua BHYT với các dịch vụ liên quan HIV/AIDS cho người bệnh. Ngoài các phòng khám ngoại trú trong tỉnh, còn có 2 điểm cấp thuốc ARV tại Trại giam Ninh Khánh, Cơ sở cai nghiện ma túy (TT06) và gần 20 điểm cấp thuốc ARV tại các xã, phường trên địa bàn các huyện, thành phố.
Bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, vừa qua, tại hội nghị Khoa học quốc tế về HIV/AIDS lần thứ 10 (IAS 2019) được tổ chức tại thành phố Mexico, nhiều báo cáo khoa học cho thấy các kết quả nghiên cứu đang mở ra những cơ hội mới trong dự phòng và điều trị căn bệnh này... Trong đó nổi bật có thuốc ức chế Tat điều trị HIV/AIDS và Que cấy thuốc kháng HIV dự phòng lây nhiễm HIV.
Tat là chữ viết tắt của Transactivator, là một gene điều hòa có tác dụng thúc đẩy sự sinh sản của virut HIV. Đây là thành tố rất quan trọng, không có nó thì HIV hoàn toàn không nhân lên được. Thuốc Tat nhắm đến 1 loại protein có tên là HIV-1 Tat, được biết đến với vai trò quan trọng trong việc nhân lên của virut HIV. Loại thuốc mới tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch với protein này, có tác dụng "khóa" chúng lại khiến virut HIV không thể sao chép được. Tuy nhiên, đây mới là nghiên cứu công bố lâm sàng của các nhà khoa học ý. Từ đây đến khi đưa thuốc được thử nghiệm thành công ra áp dụng rộng rãi chắc chắn cần có thời gian và về nguyên tắc, những thuốc mới ra đời có giá thành rất đắt, do vậy, không phải mọi người dễ dàng tiếp cận được ngay. Nên trong khi chờ cơ hội phát minh và ứng dụng các thuốc mới và biện pháp mới, người nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị ARV kịp thời.
Đối với Que cấy thuốc kháng HIV dự phòng lây nhiễm HIV, về bản chất cũng là thuốc kháng virut (ARV) để điều trị dự phòng trước lây nhiễm HIV (PrEP). Tuy nhiên, nó được thử nghiệm dưới dạng que cấy như dạng que diêm. Khi cấy que có thuốc này vào dưới da, thuốc ARV sẽ được giải phóng từ từ và duy trì một nồng độ thuốc trong máu đủ dự phòng để một người không bị nhiễm HIV. Đây là một nghiên cứu lâm sàng đang được thử nghiệm. Người ta thử nghiệm sản xuất các loại que cấy có hàm lượng thuốc khác nhau, từ đó, thời gian có hiệu lực dự phòng lây nhiễm HIV của que cấy kéo dài khác nhau. Hiện có que cấy thử nghiệm có tác dụng kéo dài 1 năm, sau 1 năm mới cần thay que mới. Với kết quả này, hy vọng các nhà khoa học có thể tạo ra một cách tiếp cận mới để ngăn chặn HIV một cách hiệu quả và cũng mở ra cho người sử dụng một lựa chọn mới. Thay vì người sử dụng phải uống thuốc hàng ngày thì người ta chỉ cần cấy 1 que có thể dự phòng được nhiều tháng hoặc hàng năm.
Trong khi chờ các cơ hội mới trong điều trị bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS, để người nhiễm HIV/AIDS được quan tâm chăm sóc, điều trị, sống khỏe mạnh, tự tin, hòa nhập cộng đồng, ngành Y tế tỉnh và các đơn vị liên quan đặt ra nhiệm vụ tăng cường hơn nữa về chuyên môn, tập huấn nâng cao và chuyên sâu cho các cán bộ tham gia công tác điều trị HIV/AIDS tại các phòng khám trên địa bàn tỉnh. Tăng cường truyền thông dưới nhiều hình thức trực quan và truyền thông, trong đó ưu tiên quan tâm đến đối tượng đồng đẳng viên, giúp mọi người có những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời quan tâm tổ chức nhiều hơn những buổi truyền thông lưu động đến tận thôn, xóm, ngõ, phố trên địa bàn tỉnh và những buổi nói chuyện chuyên đề tại các thôn, xóm, khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp…, góp phần giúp người nhiễm HIV tự tin sinh hoạt cộng đồng, tránh cái nhìn cực đoan về cuộc sống, có thêm động lực để đấu tranh, đẩy lùi bệnh tật. Cùng với đó, tăng cường điều tra tiếp cận tư vấn người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng đưa vào điều trị ARV sớm, hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS.
Mỹ Hạnh