Chất men lá ủ trong hơi rượu Hmông gia thêm vị đặc sản rau rừng vừa thơm vừa lạ khiến chúng tôi ngỡ ngàng.Vùng đất này kỳ lạ và mến yêu là thế đấy! Hà Giang ngày đầu đón chúng tôi đã khiến những thực khách phải ngỡ ngàng bởi bữa tiệc núi đẫm hương vị thổ ngơi. Tôi đồ rằng vị rượu ngô thơm nồng, vị rau rừng trong món lẩu núi chỉ ngon khi ở đất Hà Giang. Cái khí vị núi rừng, có cái nhiệt tình hào sảng của người vùng cao làm lữ khách mê đắm. Đêm! Thành phố miền biên ải bình yên đến lạ! Những con đường, hàng cây góc phố lặng im.Phố dựa lưng vào núi, núi yên lặng trầm mặc. Đêm sâu và trong, khiến lòng lữ khách gợi niềm hoài cựu.
Cũng là những đêm, nhưng là của mười mấy niên về trước, tôi một gã văn sỹ kiêu bạc, nghèo kiết trong bước đường sinh kế từng bất đắc dĩ làm thân khách trọ tại những lữ quán ven đường. Những phố huyện cũ càng và buồn nản nằm đâu đó dọc một dải Miền Trung. Những vùng đất tôi đã tha lê mình qua trong cuộc mưu sinh ám ảnh, gợi nhớ. Hình như có những vùng đất mà khi người ta đến như khảm khắc vào trong họ những ấn tượng và tôi đã mang theo trong suốt cuộc đời. Và tôi đã thức với Hà Giang trong một đêm như thế!
Nhưng Hà Giang không chỉ là là vùng đất khiến những tâm hồn đa cảm gợi niền hoài cựu, Hà Giang cuốn hút và ám ảnh, kỳ vỹ và nguyên sơ đến ngỡ ngàng bởi những cổ tích về cao nguyên đá. Suốt một giải biên cương xe chúng tôi qua những gì chúng tôi nhìn thấy chỉ một màu xanh xám của núi và đá. Núi liền núi. Đá gối đá. Đá chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp. Mầu thời gian kỷ hà hầu như còn vẹn nguyên trên những phiến sa thạch, có lẽ đã sinh ra tự vạn cổ. Đá sinh ra từ một thế giới nào trong cơn chuyển dạ của địa chất.
Lác đác ven đường là màu xanh của những nương ngô, những vạt cây bụi, hoa sở. Màu hoa đẹp đến buốt lòng suốt một giải biên cương. Trái với những tưởng tượng của những đồng nghiệp chúng tôi về việc trong chuyến lữ hành lên miền Bắc ải này trên đường chúng tôi sẽ gặp những người đồng bào Hmông.
Thực ra trên dặm đường rong ruổi cái hình ảnh buốt lòng là lũ trẻ áo sống phong phanh hồn nhiên đứng bên đường giơ tay vẫy vẫy. Chúng không chờ gì từ những người khách kia mà đơn giản chỉ là tò mò trước những người khách lạ ở đâu đó tự nhiên lạc đến thế giới này. Cái hàng ngày, hàng giờ chúng vẫn sống là ngôi nhà sàn chon von trên lưng núi, những con đường nhỏ chênh vênh, vắt vẻo lẫn trong mây mù.
Nhà đồng bào ở đây không phải chỉ "mở cửa nhìn thấy núi" nữa mà mở cửa sờ thấy mây. Những đỉnh núi chất ngất quang năm mây mù. những ngôi nhà bị nuốt trong mây trời. Đồng bào tự ngàn đời đã ăn, ngủ, sống với thế giới của mầu trắng ngăn ngắt của mây, màu xanh xám miên man của núi. Đến màu áo của người Hmông hình như vẫn còn ám ảnh vương vấn về thế giới của mây trời, đá núi nên họ đã chọn màu đen chàm là tông mầu chính. Những "a nhí" "a cồ" mà chúng tôi bắt gặp trên đọc đường đi đều ăn vận thứ y phục đặc trưng đó. May mà trên y phục của các bà các chị còn gia thêm một tấm khăn đội đầu hình họa sặc sỡ khiến họ không lẫn vào màu của núi đá.
Cung đường từ thành phố Hà Giang lên Lũng Cú, xe chúng tôi qua cổng trời Quản Bạ. 9 giờ sáng mà màu trời vẫn âm u tai tái. Núi Đôi Quản Bạ như cặp tình nhân tình tự trong mây mù. Vẻ liêu trai ấy nếu ai không một lần đến Hà Giang, không trực tiếp đặt chân đến cung đường Quản Bạ khó mà hình dung được. Nhưng nếu như thế giới của đá hằng hà sa số làm nên diện mạo của công viên địa chất toàn cầu thì điểm thị vị quyến rũ nhất níu chân du khách lại là màu hoa tam giác mạch. Màu hoa tím rắt của những triền hoa tam giác mạch trên những cung đường núi đá Đồng Văn - Quản Bạ mà chúng tôi dừng chân đẹp đến nao lòng. Những nương tam giác mạch trổ hoa như thứ hoa văn dệt vào đá núi. Vẻ đẹp ấy có lẽ chỉ những triền cải hoa vàng dọc miền Kinh Bắc cổ kính may ra sánh kịp.
Suốt 4 tiếng đồng hồ đèo dốc, đoàn ghé Sà Phìn, thăm khu dinh thự họ Vương. Kiến trúc nhà Vương là sự giao thoa văn hóa Mông và Hán. Điều ấn tượng nhất là khu dinh thự còn giữ được khu rừng cây sa mộc cổ thụ vút cao. Khu tiểu lâm ấy như vùng sinh thái tự nhiên điều phối cảnh quan dãy dinh thự nhà Vương với không gian xung quanh. Nhưng trái với vẻ thâm nghiêm của dinh vua Mèo thuở còn hưng thịnh với gái đẹp và thuốc phiện, khu dinh vua Mèo bây giờ ồn áo náo nhiệt bởi một chợ phiên nằm kế bên.
Chợ phiên Sà Phìn như bảo tàng sống về văn hóa giữa vùng cao nguyên đá. Chợ rộn rịp vui mắt. Vài dẫy nhà lá, những chú Khách mắt sắc lẻm chắp bằng ngồi bên tấm ni lông trải rộng, bày ra la liệt các món đồ nào vòng nào nhẫn toàn bằng bạc trắng. Gái bản Mông xúng xính váy áo sa vào các sạp hàng. Lũ trẻ Mông chạy loăng quăng nô đùa.Tiếng gà lợn kêu inh ỏi hòa với mùi ngai ngái của nước tiểu và phân ngựa thi thoảng lại dậy lên trong gió. Xa xa bên dãy nhà lá, những gã trai Mông quây quanh nồi thắng cố đang sôi xình xịch, nâng cao bát rượu ngô nhấm nháp, chốc chốc lại hà hơi rượu để hơ tay.
Tôi để ý thấy ở những chợ phiên này, có thứ "văn hóa rượu" thật đẹp. Nhất là không ai nài ép ai uống rượu, càng không có vẻ "dô nhanh tiêu diệt gọn" của người dưới xuôi. Những "a cồ" ở đây thưởng thức món rượu ngô với niềm khoan khoái hồ hởi ra mặt. Chợ tan, những gã trai Mông ra về, tay nắm đuôi ngựa bước chân líu ríu.Trên yên ngựa cậu bé ngủ gà ngủ gật với chiếc mũ và chùm tua ngũ sắc rung rinh, theo sau là người phụ nữ Mông lặng im. Đi chơi chợ phiên với một gia đình người vùng cao là một thú vui. Với gã trai Mông, việc xuống chợ uống rượu mà không say là một sự lạ.
Nhưng có vẻ ám ảnh tôi nhất trong chuyến đi này vẫn là ánh mắt của những người vùng cao. Ánh mắt ngân ngấn, buồn hoang hoải. Đó là thứ thông điệp vô ngôn mà lại chất chứa bao nhiêu tâm sự về những phận người phía sau triền núi đá.
Cột cờ Lũng Cú, điểm cuối của cuộc hành trình rồi cũng đến. Đích đến của cả đoàn chúng tôi trong chuyến viễn du này. Không sao nói hết được cảm giác của mọi người khi được đặt chân lên mỏm Lũng Cú tột Bắc. Cột cờ Lũng Cú tung bay trong vời vời mây trời.Trên đỉnh đồi nơi đặt cột cờ những người lính biên phòng của đồn Lũng Cú vẫn hàng tuần vẫn đều đặn chào cờ. Cột cờ Lũng Cú là một biểu tượng về chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Trên vùng đất này những người lính đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của tổ quốc.
Nhà báo Phương Hoa (Báo Hà Giang) người một người bạn của lính biên phòng đã giúp đoàn chúng tôi có được chuyến thăm đồn biên phòng Lũng Cú. Ở đây lần đầu tiên những người như chúng tôi hiểu được cái sâu nặng của nghĩa tình quân dân nơi biên ải. Hiểu được sự gian khổ, hy sinh của những người lính nơi địa đầu tổ quốc.
Đến Lũng Cú, được được đặt bước chân lên những bậc thang lên đỉnh cột cờ, được phóng tầm mắt nhìn ra ngàn dặm biên cương mới thấy hết ý nghĩa và vị trí chiến lược của Hà Giang trong việc phòng thủ đất nước. Hình như tự thuở khai thiên lập địa, tạo hóa đã có thâm ý tạo ra sự hiểm trở trùng điệp của núi đồi Hà Giang làm nên bức tường thành thiên nhiên, thứ phên dậu vĩnh cửu để dân tộc Việt ngàn đời nương dựa làm thế ỷ dốc mà giữ nước. Chia tay những người lính biên phòng, tạm biệt Lũng Cú, miền đất mà rồi đây không biết bao giờ chúng tôi mới có dịp quay lại, chúng tôi lòng nặng trĩu.
Trên chuyến xe cuối năm xuôi về phố thị mà lòng ngơ ngẩn. Hình như hồn mình đã gửi vào đâu đó trong sóng mắt Hmông vời vợi hay lạc vào trong câu hát, điệu khèn í ộ của anh chàng người Hmông phiên chợ Sà Phìn năm cũ: "Ngựa đi phiên chợ ngày xuân/ Miệng em cười áo em rực rỡ/Màu núi màu rừng, cho lòng anh mê say. Noọng ơi... Gập ghềnh đường xa họa mi chim hót vang tiếng khèn anh/Thương anh, theo anh về bản...Noọng ơi!"
Mai Phương