Đến thăm nhà ông Đặng Xuân Dự, được ông chỉ cho những phần việc mà ông đã phải "kỳ công" lắp đặt để có được nguồn nước sạch. Đầu tiên là máy bơm hút nước đường ống, ông Dự cho biết: Những ngày đầu mới lắp nước sạch, nước vẫn có nhưng thường xuyên bị trục trặc, nguồn nước cấp vào nhà yếu, không tự chảy được vào bể ngầm, thế là ông trang bị luôn một máy bơm để hút trực tiếp nước từ đường ống. Tuy nhiên, máy bơm này cũng chỉ dùng được vài hôm vì sau đó hệ thống nước không thấy hoạt động. Gia đình lại chuyển sang đào giếng ngầm nhưng nước giếng bị nhiễm phèn thế là lại tiếp tục đầu tư thêm hệ thống bể lọc.
Ngoài ra, còn phải xây thêm bể chứa nước mưa chuyên dùng để ăn uống… Đủ cách nhưng đến nay nước sinh hoạt của gia đình mới chỉ là tạm ổn chứ chưa thể đảm bảo là nước sạch.
Tiếp tục tìm đến các giếng làng trong thôn 4, chúng tôi được chứng kiến cảnh đông vui tấp nập, người xách nước, người giặt giũ, trò chuyện rôm rả… không khác gì hình ảnh "cây đa, giếng nước, sân đình" trong các tác phẩm văn học xưa.
Chị Nguyễn Thị Tuyết vừa nhanh tay kín đầy 2 xô nước vừa nói với chúng tôi: Không có nước sạch nên ngày nào chị cũng gánh hơn chục gánh nước về nhà để sinh hoạt. Vất vả lắm nhưng biết làm sao được. ở đây gia đình nào có điều kiện hơn thì bỏ ra 3-4 triệu đồng lắp đường ống bơm nước từ giếng về tận nhà, còn không thì cũng phải đi gánh nước như chị.
Chị Tuyết cho biết thêm: Gia đình tôi lắp đặt đường ống nước sạch từ năm 2004 nhưng do không mấy khi có nước về nên từ đó đến nay đã hơn 10 năm mà nhà chị mới phải nộp 7 nghìn đồng tiền nước.
Trao đổi với các hộ dân ở đây, nhiều bà con tỏ ra bức xúc: ở đây nước sạch thì thiếu mà nước bẩn thì thừa, nào là nguồn nước từ nghĩa trang Mả Lim ngấm xuống, nước từ khu rác thải của thị trấn Me đổ ra, nước thải từ các trang trại chăn nuôi, sinh hoạt…
Sợ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, chúng tôi đã đồng tình đóng góp, nhà nào cũng đầu tư từ 2-3 triệu đồng để lắp đặt đường ống cũng như đồng hồ đo nước để dẫn nước sạch về sử dụng. Nhưng rồi mất tiền mà vẫn không có nước.
Giờ đây hơn 130 hộ gia đình trong thôn trông cả vào 3 cái giếng làng. Mặc dù biết là nước ở đấy không đảm bảo vệ sinh vì đứng xa cũng cảm nhận được mùi tanh nhưng không còn cách nào khác chúng tôi vẫn phải sử dụng. Nhiều gia đình có con bị bệnh do dùng nước nhiễm phèn, quần áo nhuốm vàng, hư hỏng.
Bà Nguyễn Thị Nhâm, trưởng thôn 4, xã Gia Vượng cho biết: Các hộ dân trong thôn ký hợp đồng với Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình, đóng góp tiền, mắc đường ống để dẫn nước sạch về sinh hoạt tại gia đình từ năm 2004. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn không có nước sạch để dùng.
Chính quyền thôn đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị và được giải thích là nhà máy nước ở thị trấn Me- Gia Vượng, đơn vị cung cấp nước thiết kế không đồng bộ, có nhiều sai sót, dẫn đến thất thoát nước và không đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho nhân dân, đặc biệt là những hộ dân ở cuối nguồn như thôn 4.
Đơn vị cấp nước đã hứa sẽ có phương án cải tạo, nâng cấp đường ống, thay thế đường ống lớn hơn để có thể đảm bảo cung cấp nước cho các hộ dân. Nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện, ngày ngày người dân từ trẻ con đến người già trong thôn vẫn phải tiếp tục cảnh ngày 2-3 lần đi xách nước.
Mong mỏi có nước sạch sinh hoạt là hoàn toàn chính đáng. Hy vọng rằng trong thời gian tới, người dân thôn 4 xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn sẽ nhận được sự quan tâm của tỉnh, huyện để sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp đường ống nước cũng như có dự án để tăng công suất nhà máy nước ở thị trấn Me- Gia Vượng lên, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Hà Phương