Gặp Lê Văn Thường, ấn tượng đầu tiên anh để lại trong tôi là một người có dáng dấp nhanh nhẹn, ăn nói nhẹ nhàng, hiền lành. Tâm sự về niềm say mê nghiên cứu, chế tạo, Thường cho biết: Từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với nghề cơ khí chế tạo, cho nên sau khi tốt nghiệp THPT tôi quyết tâm thi vào Khoa Cơ khí chế tạo máy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường với tấm bằng kỹ sư trong tay, tôi đã nộp hồ sơ xin việc làm tại Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình.
Gắn bó với Công ty gần 4 năm nay, cùng với niềm đam mê sẵn có tôi đã cùng các đồng nghiệp sáng tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và mang lại giá trị lớn cho Công ty như: Băng tải xích, gầu ngọam thủy lực... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây đều là những sản phẩm đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao, được thị trường đón nhận, mang lại nguồn thu lớn cho Công ty.
Không ngừng nghiên cứu, sáng tạo trong khoa học, công nghệ, Thường tiếp tục đầu tư công sức và vận dụng những kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường cùng kinh nghiệm đúc kết qua 4 năm công tác để chế tạo ra sản phẩm mới là "Hệ thống thiết bị xuất bao xuống tàu sông", một trong những công trình làm lợi hàng tỷ đồng cho Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình trong thời gian vừa qua.
Nói về lý do triển khai nghiên cứu, chế tạo công trình mới, Lê Văn Thường cho biết: Hiện nay ngành công nghiệp tỉnh ta ngày càng phát triển với nhiều nhà máy xi măng, đạm, phân lân có các sản phẩm được đóng dạng bao bì phổ biến…
Việc vận chuyển, phân phối cho thị trường nội địa và xuất khẩu bằng đường bộ gặp nhiều khó khăn về phương tiện vận chuyển, đội ngũ công nhân bốc xếp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến chi phí lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các bến cảng của tỉnh Ninh Bình thường có quy mô nhỏ và được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị đã cũ và xuống cấp; hệ thống xuất bao xuống tàu sông ở các cảng có công nghệ cũ và công suất thấp (từ 200-250 tấn/ca), thường được đặt cố định, do đó việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa từ xe ô tô xuống tàu sông gặp nhiều khó khăn và chỉ thực hiện được ở các tàu có tải trọng thấp dưới 600 tấn.
Trước nhu cầu sử dụng vận huyển hàng hóa ngày càng cao, Lê Văn Thường và các đồng nghiệp đã nghiên cứu, chế tạo thành công "Hệ thống thiết bị xuất bao xuống tàu sông" với công suất từ 350-400 tấn/ca đáp ứng các tiêu chuẩn về công nghệ và có thể áp dụng rộng rãi các cảng suất tàu sông khác nhau.
Ưu điểm lớn nhất của hệ thống xuất bao xuống tàu sông do Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình nghiên cứu chế tạo là có thể xuống được những tàu có trọng tải lớn (nhỏ hơn hoặc bằng 2.000 tấn), tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí di chuyển để xếp hàng và tiết kiệm thời gian ô tô, tàu lưu lại cảng.
Theo tính toán, hệ thống xuất bao xuống tàu sông mới có công suất 350 - 400 tấn/ca thì với tàu 2.000 tấn chỉ mất 6 ca bốc xếp/tàu (hệ thống xuất bao cũ mất 10 ca bốc xếp/tàu).
Hơn nữa mọi hoạt động của hệ thống được điều khiển hoàn toàn tự động, từ việc ra vào tàu, điều khiển tốc độ rải hàng xuống tàu, tốc độ vào thùng xe, đã làm giảm số lượng nhân công bốc xếp từ 9 người xuống 7 người, thu nhập công nhân vận hành, bốc xếp tăng từ 440 nghìn đồng/ca lên 1 triệu đồng/ca. Với việc sử dụng nguyên, vật liệu trong nước, hệ thống xuất bao xuống tàu sông có chất lượng tương đương nhưng giá thành giảm 20-30% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Điều đó giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm khi đưa ra thị trường, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của địa phương, cũng như của đất nước.
Những ý tưởng phát minh, sáng chế của kỹ sư Lê Văn Thường và cộng sự không những mang lại sản phẩm chiến lược, có tính ưu việt cho Công ty mà còn giúp các đơn vị khách hàng có cơ hội đổi mới công nghệ với chi phí thấp hơn, nâng cao năng suất, hạ giá thành, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Công trình nghiên cứu đã được Ban giám khảo và Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VII (2014-2015) đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, nhân rộng và hiệu quả, hệ thống thiết bị xuất bao xuống tàu sông đã đoạt giải đặc biệt Hội thi cấp tỉnh và được gửi đi tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
Hồng Giang - Trường Giang