Ông Phạm Quốc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Nam cho biết: Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam đi vào hoạt động từ cuối năm 2010 và hoàn toàn có đủ điều kiện về kỹ thuật và năng lực để xử lý nước thải từ loại B về loại A cho các nhà máy trong Khu công nghiệp Khánh Phú. Nhà máy có công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại; thiết kế tự động, vận hành dễ dàng, linh hoạt, không tốn nhân lực, hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong cả năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, công suất xử lý nước thải của Nhà máy chỉ đạt 15-20%. Nguyên nhân là do: một số nhà máy, công ty trong Khu công nghiệp Khánh Phú không xả thải qua nhà máy; hệ thống đường ống, cống rãnh dẫn nước thải trong khu công nghiệp chưa hoàn chỉnh và không đấu nối được giữa nhà máy với các công ty, doanh nghiệp trong khu vực... Tình trạng đó đã đẩy Doanh nghiệp đến hoàn cảnh khó khăn, đầu tư lớn, nhưng thu lại không được bao nhiêu, có thời kỳ Nhà máy đã kiến nghị xin dừng hoạt động.
Mặt khác, một số doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường đã gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ một số nơi, dẫn đến nhân dân bất bình, khiếu kiện... Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc, tìm biện pháp và giải pháp nhằm duy trì và đảm bảo cho hoạt động của nhà máy: chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm việc với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, nhất là hệ thống dẫn nước thải từ các doanh nghiệp về nhà máy; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không được xả thải trực tiếp ra môi trường mà phải qua nhà máy; có chính sách hỗ trợ cho hoạt động của nhà máy, nhất là trong giai đoạn hiện tại.
Với sự "vào cuộc" tích cực của tỉnh, các sở, ngành, do đó từ 6 tháng cuối năm 2012 đến nay, công suất xử lý nước thải của Nhà máy đã đạt 50% (khoảng trên 6.000 m3/ngày đêm). Hiện tại, Nhà máy đã và đang tiếp nhận xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp: Nhà máy đạm Ninh Bình bình quân xả thải mỗi ngày 4.000 m3; Nhà máy may Nienhsing 2.000 m3/ngày; Nhà máy ADM21 đạt 40m3/ngày; Nhà máy Chiachen khoảng 20m3/ngày... Nhà máy đã tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có 10 người là kỹ sư; có 50% cán bộ, công nhân lao động được đóng BHXH và BHYT. Năm 2011, doanh thu của Nhà máy đạt 2,7 tỷ đồng, đến hết năm 2012 đạt 8 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Nhà máy, để nhà máy xử lý nước thải Thành Nam hoạt động ổn định, tỉnh và các sở, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải xả nước thải qua nhà máy; tăng phí xử lý nước thải theo quy định; hỗ trợ hoạt động của nhà máy khi chưa đạt công suất thiết kế...
Làm việc với lãnh đạo Nhà máy, đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Đây là một trong những nhà máy xử lý nước thải đầu tiên trong cả nước thực hiện xã hội hóa về đầu tư. Doanh nghiệp đã có ý thức trách nhiệm chính trị cao với tỉnh, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường (xử lý nước thải cho các doanh nghiệp ở trong khu công nghiệp Khánh Phú), vấn đề đang bức xúc và cần thiết ở nhiều nơi, nhưng lại ít có doanh nghiệp "mặn mà" đầu tư vào. Sự hoạt động của nhà máy là cần thiết và không thể thiếu được đối với một khu công nghiệp lớn như Khánh Phú. Tỉnh đang tính toán, có giải pháp hiệu quả cho mô hình hoạt động của Nhà máy trong tương lai. Về các kiến nghị của Nhà máy, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và giao cho các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn phối hợp xem xét, giải quyết.
Trường Sinh