Khuôn viên của Nhà máy vẫn còn vật liệu, thiết bị đang được lắp đặt hoàn thiện. Từng tốp công nhân Việt Nam, công nhân Trung Quốc mải miết, khẩn trương làm việc. Nhà máy Đạm Ninh Bình đang vào thời gian nước rút, hoàn tất những phần việc cuối cùng là lắp đặt, thổi rửa, chạy thử từng bộ phận trong hệ thống. Hiện tại, rất nhiều hệ thống, công trình của Nhà máy đã xong và phát huy tác dụng tốt. Ví dụ như hệ thống cấp và xử lý nước đã xong và hoạt động bình thường. Hệ thống phát điện và lò hơi đã vận hành 3/4 lò hơi; 2/3 máy phát điện không chỉ đảm bảo điện cho toàn bộ việc xây dựng, lắp đặt của Nhà máy mà còn góp phần phát điện hòa vào mạng lưới điện Quốc gia. Các hệ thống khác như: phân phối điện, phân li không khí; khí hóa than; tinh chế khí; tổng hợp Amoniac; tổng hợp urê; kho chứa đạm, đóng bao… đã và đang lắp đặt và vận hành thử. Nhà máy dự kiến đến tháng 2-2012 sẽ sản xuất ra khí than đạt tiêu chuẩn và cuối tháng 3-2012 sẽ sản xuất ra phân đạm urê.
Cũng cần phải nói thêm về tầm quan trọng và sự quan tâm của tỉnh Ninh Bình đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Với diện tích 53 ha ở Khu công nghiệp Khánh Phú, Nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công xây dựng từ tháng 5-2008, có tổng mức đầu tư trên 11.000 tỷ đồng và thời gian thi công theo kế hoạch ban đầu là 42 tháng. Sau khi hoàn thành, Nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urê/ngày (560.000 tấn/năm) để cung cấp phân đạm urê cho sản suất nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc.
Với sản xuất nông nghiệp, mỗi năm đất nước ta cần khoảng 2,2 triệu tấn phân đạm, nhưng trong nước mới sản xuất được khoảng 1 triệu tấn còn lại là phải nhập khẩu. Nhà máy Đạm Ninh Bình đi vào sản xuất sẽ đáp ứng được gần 1/4 nhu cầu phân bón urê của cả nước, thay thế phân đạm nhập khẩu, giảm nhập siêu cho đất nước, tạo sự ổn định về giá cả và nguồn cung cấp dài hạn cho ngành nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia.
Đặc biệt, Nhà máy sản xuất đạm từ than cám góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên có sẵn là than cám của đất nước. Đây là một dự án trọng điểm của ngành hóa chất Việt Nam được thực hiện tại Ninh Bình. Để có được Nhà máy Đạm ở Ninh Bình phải nói đến tầm nhìn và quyết tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong việc mời gọi, vận động chủ đầu tư về Khu công nghiệp Khánh Phú.Hơn 4 năm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa Nhà máy Phân đạm Ninh Bình đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tuy vậy, so với kế hoạch ban đầu Nhà máy hiện bị chậm tiến độ về thời gian, đến tháng 12-2011 này là đã 44 tháng xây dựng. Đặt vấn đề vì sao Nhà máy lại xây dựng và lắp đặt không đúng tiến độ đề ra, đồng chí Nguyễn Văn Thiệu, Phó Giám đốc cho biết: Nguyên nhân Nhà máy bị chậm mấy tháng so với kế hoạch là do nền móng của khu vực Khu công nghiệp Khánh Phú yếu, phải tập trung xử lý nên thời gian kéo dài. Vấn đề nữa là do vốn thiếu, dẫn đến việc thanh toán cho nhà thầu chậm. Một nguyên nhân nữa là do Nhà máy có sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc, nhưng do quy định về đầu tư và giải ngân của bạn và ta có những điểm không thống nhất nên phải giải quyết và có ảnh hưởng đến thời gian tiến độ chung. Mặc dù có khó khăn, song đến nay, Nhà máy cũng đã cơ bản được xây dựng; nhiều hệ thống trong toàn bộ quy trình sản xuất đạm từ than cám đã hoàn thành, chạy thử xong, sẵn sàng đi vào sản xuất.
Về công tác tổ chức bộ máy, vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình. Đây là một điều kiện quan trọng để Nhà máy sau khi hoàn thành lắp đặt đi vào sản xuất. Đối với đội ngũ công nhân vận hành, Nhà máy đã gửi một số người đi đào tạo ở châu Âu, Trung Quốc; một số đi các Nhà máy bạn như Đạm Phú Mỹ (Bà Rỵa - Vũng Tàu), Đạm Hà Bắc (Bắc Ninh); Điện Cao Ngạn (Thái Nguyên) và một số người được đào tạo tại chỗ. Sau một thời gian tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ từ phía nhà thầu Trung Quốc, công nhân Việt Nam sẽ đủ sức làm chủ và vận hành Nhà máy.
Sản xuất phân đạm thuộc ngành hóa chất có nhiều nguy cơ đe dọa đến môi trường. Không ít lần, báo chí đã cảnh báo về một địa phương với các địa danh đẹp, nên thơ nhưng từ khi có Nhà máy Đạm về thì môi trường dần bị hủy hoại, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.
Đem một trong những điều băn khoăn, lo lắng của người dân thành phố Ninh Bình và các huyện Yên Khánh, Kim Sơn là liệu Nhà máy sản xuất có đảm bảo được môi trường cho cuộc sống, vì hầu như toàn bộ thành phố Ninh Bình đều phải dùng nước sông Đáy làm nước sinh hoạt, các huyện Yên Khánh, Kim Sơn dùng nước sông Đáy phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đồng chí Nguyễn Văn Thiệu, Phó Giám đốc chia sẻ: Sản xuất đạm của Nhà máy có 5 công đoạn chính đều sử dụng công nghệ bản quyền châu Âu, là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay. Cụ thể là: công nghệ khí hóa than của Hà Lan; công nghệ tinh chế khí của Đức; công nghệ tổng hợp Amoniac của Đan Mạch; công nghệ tổng hợp urê của Italia và công nghệ phân li không khí của Cộng hòa Pháp.
Nhà máy Đạm Ninh Bình sử dụng các công nghệ này không những môi trường sẽ được đảm bảo mà còn có tác dụng đảm bảo ổn định dây chuyền sản xuất; giữ vững chất lượng sản phẩm; định mức tiêu hao vật tư thấp; tính tự động hóa cao nên cần ít công nhân, năng suất lao động cao. Một số yếu tố dễ gây ảnh hưởng đến môi trường cũng đã được Nhà máy cân nhắc và có biện pháp xử lý. Đối với khí thải của Nhà máy nhiệt điện hiện tại đã có thiết bị lọc bụi. Với chất thải rắn khi đốt than cám sẽ được thu hồi và tái sử dụng cho sản xuất xi măng, gạch ép… Đối với nước thải, do công nghệ của Nhà máy là các thiết bị của châu Âu nên nước thải ra đã đạt trên mức B (mức A là được thải trực tiếp ra môi trường). Do vậy, Nhà máy đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp thu gom và xử lý nước thải ở Khu công nghiệp Khánh Phú. Nước thải của Nhà máy Đạm qua hệ thống của Công ty này để Công ty đó làm sạch, đủ tiêu chuẩn cho phép trước khi thải trực tiếp ra môi trường.Như vậy là với công nghệ tiên tiến và khi vận hành Nhà máy thực hiện đúng các quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường thì mọi người có thể yên tâm với Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Bài, ảnh: Thái Học