Năm 1959, Đoàn văn công Sông Vân được thành lập với nhiệm vụ chính là tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, chiến đấu của Đảng bộ và nhân dân, các lực lượng vũ trang trong tỉnh. Với lực lượng nòng cốt ban đầu là những cán bộ làm công tác thông tin địch vận, có chút năng khiếu được "trưng dụng" từ các đơn vị trong tỉnh, các tác phẩm của Đoàn phần lớn là những hoạt cảnh có nội dung tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… bước đầu đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, chiến đấu. Ngay từ những năm đầu thành lập, Đoàn đã dàn dựng những vở diễn có nội dung gắn liền với lịch sử, truyền thống của quê hương, được nhân dân đón nhận và gây ấn tượng tốt như: Nàng tiên bên núi Thúy, Lá cờ năm xưa, Vườn cam, Trần Quốc Toản, Thái hậu Dương Vân Nga… Lớp các nghệ sỹ đầu tiên của Đoàn văn công Sông Vân được khán giả nhớ và biết đến qua các vai diễn tiêu biểu như: Nghệ sỹ Xuân Cưu, Kim Liên, Hồng Nhạn, Đăng Thanh, Thúy Mùi, Lâm Bình, Xuân Chính… Đây cũng là thế hệ nghệ sỹ đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ tại các trận địa ở trong tỉnh và tận chiến trường miền Nam.
Với tinh thần "tiếng hát át tiếng bom", các nghệ sỹ Đoàn văn công Sông Vân đã góp phần động viên tinh thần chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược của quân và dân địa phương. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Đoàn văn công Sông Vân có sự thay đổi về tên gọi để phù hợp với tình hình như: Đoàn chèo Sông Vân, Đoàn chèo Ninh Bình, Đoàn văn công Ninh Bình… Những đóng góp của Đoàn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước rất đáng trân trọng.
Từ năm 1964, với phương châm tự huấn luyện, tự đào tạo, Đoàn đã có sự phát triển cả về quy mô, số lượng, dần tiến tới một đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Để góp phần động viên, cổ vũ nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân trong tỉnh, các diễn viên của Đoàn đã chia thành các tốp nhỏ đến các trận địa, đơn vị đóng quân của bộ đội để phục vụ. Đoàn còn vào các chiến trường Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, sang Lào… để phục vụ bộ đội và đồng bào… Đất nước thống nhất, hoạt động biểu diễn của Đoàn tiếp tục làm tròn trách nhiệm tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng và kiến thiết quê hương, đất nước, khôi phục và phát triển kinh tế.
Cán bộ, diễn viên Nhà hát chèo Ninh Bình sau buổi biểu diễn tại Hội diễn nghệ thuật chèo toàn quốc năm 2009.
Từ năm 1982 đến 1991, Đoàn chèo Ninh Bình sáp nhập với Đoàn chèo Nam Định để thành lập Đoàn chèo Hà Nam Ninh. Cùng chung suy nghĩ, trách nhiệm và sự tâm huyết với nghề, các nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn đã đoàn kết, nhất trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thời kỳ này, Đoàn chèo Hà Nam Ninh đã gây được tiếng vang tại các hội diễn toàn quốc qua các vở diễn. Trong thành tích chung của Đoàn, có sự đóng góp tích cực của các nghệ sỹ, diễn viên Ninh Bình. Tiêu biểu năm 1985, vở diễn "Những người nói thật" của tác giả An Viết Đàm, nghệ sỹ Kim Khuyên đạt huy chương vàng, Lâm Bình đạt huy chương bạc…
Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, đã mở ra cho Đoàn nhiều thuận lợi và điều kiện để phát triển. 24 cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên khi ấy thuộc các lĩnh vực: chèo, ca múa nhạc, cải lương, kịch nói của Đoàn Hà Nam Ninh, là con em quê hương Ninh Bình đã trở về quê hương để góp sức gây dựng nghệ thuật chèo nói riêng, hoạt động của Đoàn nói chung. Được sự quan tâm, động viên sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn được đầu tư kinh phí, mua sắm phương tiện, thiết bị, trang phục, nhạc cụ… phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Vở diễn đầu tiên sau 17 năm chia tách được Đoàn dàn dựng thành công là vở chèo "Tấm áo bào Hoàng đế". Đây là vở diễn phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã gây xúc động mạnh trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vì đã truyền tải đến người xem giá trị và ý nghĩa lịch sử, truyền thống của quê hương thông qua tác phẩm sân khấu. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Đoàn đã triển khai thực hiện biểu diễn ở cả 2 loại hình là nghệ thuật chèo và biểu diễn ca múa nhạc. Trung bình mỗi năm, Đoàn đã biểu diễn trên 120 buổi phục vụ khoảng 180.000 lượt khán giả. Đoàn thường tổ chức về các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, ven biển để phục vụ nhân dân các vùng khó khăn, ít có điều kiện tiếp cận, thưởng thức các loại hình nghệ thuật.
Nhìn lại quá trình từ năm 1992 đến nay, không phụ sự tin tưởng, kỳ vọng và sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Đoàn đã đầu tư, chuẩn bị chu đáo để có nhiều vở diễn chất lượng cao tham dự các hội thi, hội diễn sân khấu toàn quốc. Những vở chèo như: Nước mắt vua Đinh, Kim Nham, Trương Hán Siêu… là những vở diễn không chỉ khẳng định hướng đi đúng của Đoàn trong việc khôi phục và gìn giữ vốn chèo cổ, mà còn là những vở chèo mang lại thành công cho các nghệ sỹ của Đoàn vì đã xuất sắc giành được các huy chương vàng tại các hội thi, hội diễn như: Nghệ sỹ Lâm Bình, Lý Thanh Kha, Xuân Nghị, Quang Thập, Minh Huệ, Mai Thủy… Mới đây, tại Hội diễn nghệ thuật chèo toàn quốc tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Nhà hát chèo Ninh Bình đã tham gia vở chèo "Linh khí Hoa Lư" và giành được 1 huy chương vàng cho vở diễn xuất sắc, 6 huy chương vàng, huy chương bạc cho cá nhân các nghệ sỹ.
Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ nghệ sỹ đi trước, tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công, công nhân viên Nhà hát chèo Ninh Bình quyết tâm xây dựng mối đoàn kết, thống nhất, mạnh dạn có những giải pháp nhằm đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều năm liền, Nhà hát được Bộ Văn hóa - Thông tin, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, bằng khen vì những thành tích đạt được. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Nhà hát vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, có những bước đi vững chắc, khẳng định vị trí của một đơn vị nghệ thuật đối với sự phát triển, đi lên của tỉnh, Nhà hát chèo Ninh Bình đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật tỉnh nhà, để lại trong lòng công chúng yêu nghệ thuật sân khấu Ninh Bình những dấu ấn và tình cảm hết sức trân trọng và đáng quý. Đây sẽ là hành trang, là động lực để tập thể cán bộ, nghệ sỹ, nhạc công, công nhân viên chức Nhà hát chèo Ninh Bình tiếp tục cống hiến, nỗ lực luyện tập để góp thêm cho đời những nốt nhạc vui, những bông hoa nghệ thuật rực rỡ.
Nguyễn Quang Thập
(Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình)