Ông cũng là trường hợp duy nhất trong số 23 nhà giáo ưu tú của tỉnh được xét "đặc cách" danh hiệu này sau khi đã nghỉ công tác hơn chục năm. Trong ngôi nhà nhỏ ở xóm Phú Mỹ, thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong (Yên Mô), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về những kỷ niệm trong nghề dạy học, cũng như những suy nghĩ của ông về sự nghiệp giáo dục tỉnh Ninh Bình thời kỳ đổi mới.
Phóng viên (P.V): Cảm xúc của thầy như thế nào khi được đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú sau khi đã nghỉ công tác nhiều năm?
Nhà giáo Phạm Đức Tú: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Từ năm 1988 đến 2008, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú cho hơn 5.000 nhà giáo, trong đó có 23 nhà giáo ưu tú của tỉnh Ninh Bình. Điều đặc biệt của đợt phong tặng danh hiệu lần thứ X (năm 2008) là phạm vi và đối tượng phong tặng được mở rộng, thêm cả đối tượng nhà giáo đã nghỉ hưu. Đây thực sự là sự động viên lớn lao đối với những nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong cả nước. Vinh dự được đón nhận danh hiệu này, tôi hết sức xúc động và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm, động viên của Đảng và Nhà nước. Tôi mong muốn Đảng và Nhà nước, ngành Giáo dục tiếp tục quan tâm, động viên đối với những người đã có nhiều năm gắn bó và có cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
P.V: Thời dạy học của thầy chắc có nhiều khó khăn, thiếu thốn. Động lực nào để nhiều nhà giáo vẫn nhiệt huyết, gắn bó với nghề? Nhà giáo Phạm Đức Tú: Thời đó, chúng tôi phải dạy học trong những lớp học ở "nhờ" đình, chùa, sơ tán học nhờ nhà dân…, đời sống của cán bộ, giáo viên hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn của đội ngũ giáo viên không đồng đều, ít có điều kiện được học tập, nâng cao trình độ… Nhưng phần lớn các thế hệ giáo viên thời chúng tôi vẫn tâm huyết với nghề, nhiệt tình với công tác giảng dạy với tâm niệm "Tất cả vì học sinh thân yêu". Có được điều đó, một phần do tập thể cán bộ, giáo viên luôn đoàn kết, nhất trí cùng vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ để hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, mỗi giáo viên chúng tôi luôn nhận được sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, của toàn xã hội, tấm lòng "tôn sư trọng đạo" của gia đình phụ huynh học sinh, sự tin yêu, kính trọng của học sinh…
Gặp mặt sau 50 năm của thầy và trò trường cấp 2 Quốc Ân (khóa 1959-1962), nay là trường THCS Yên Phong (Yên Mô). Ảnh: Phạm Trường. P.V: Giữa giáo viên thế hệ cũ như thầy và giáo viên trẻ hiện nay, thầy thấy có điểm gì khác biệt?
Nhà giáo Phạm Đức Tú: Khác biệt rõ nhất giữa giáo viên của thế hệ đi trước và giáo viên trẻ ngày nay chính là trình độ, sự tiếp thu, ứng dụng cái mới vào giảng dạy. Trước đây, khi bắt tay vào thực hiện chương trình cải cách giáo dục từ hệ 9 năm sang 10 năm, chúng tôi phải hoàn toàn tự nghiên cứu, mày mò soạn giáo án, xây dựng phương pháp giảng dạy đối với từng bộ môn.
Đối với giáo viên trẻ hiện nay, phần lớn được đào tạo bài bản, được học tập, giảng dạy trong môi trường có nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy và học… Do đó, so với thế hệ nhà giáo chúng tôi, giáo viên trẻ ngày nay năng động, sáng tạo hơn, có sự đổi mới về tư duy, nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy. Tuy có sự khác biệt giữa hai thế hệ do đặc thù của mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi thời kỳ song điều mà tôi cảm nhận rõ nhất và luôn tâm niệm, dạy bảo con cháu đó là: Dù ở hoàn cảnh nào, giảng dạy trong thời kỳ nào thì mỗi nhà giáo cũng cần phải có cái tâm trong sáng và bầu nhiệt huyết với nghề mình đã chọn.
P.V: Thầy có nhận xét gì về những đổi mới của ngành Giáo dục Ninh Bình trong thời gian qua?
Nhà giáo Phạm Đức Tú: Những năm qua, ngành Giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Điều này cũng đòi hỏi toàn ngành và nhất là những người làm công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, giảng dạy, phải luôn có tấm lòng yêu thương học sinh, không ngừng học tập nâng cao trình độ, góp phần xây dựng mỗi nhà trường là một tập thể sư phạm tốt.
Điều mà chúng tôi tâm đắc và luôn kỳ vọng là, cùng với những đổi mới của ngành giáo dục cả nước, giáo dục Ninh Bình đã có những bước chuyển mạnh mẽ với kết quả tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp, đại học hàng năm… và dần khẳng định vị thế của ngành giáo dục Ninh Bình trong hệ thống giáo dục cả nước.
Qua theo dõi hoạt động của ngành giáo dục Ninh Bình, tôi hết sức phấn khởi vì cùng với các giải pháp từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, các phong trào, cuộc vận động lớn do ngành giáo dục phát động như: Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", cuộc vận động "Hai không"… đã và đang được triển khai thực hiện sâu rộng khắp các trường học trong tỉnh. Với những đổi mới như hiện nay, tôi tin chắc rằng, chất lượng đào tạo của Ninh Bình sẽ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và sự tin tưởng, kỳ vọng của toàn xã hội.
P.V: Xin cảm ơn thầy!
Bùi Diệu (Thực hiện)