Dẫu chưa một lần được gặp Bác nhưng tấm huy hiệu mà Người trao tặng cách đây gần nửa thế kỷ đã trở thành một kỷ vật thiêng liêng trong hành trang của những đội viên xuất sắc năm xưa đi suốt cuộc đời, trở thành động lực, là niềm tin chiến thắng để mỗi dịp 19-5 trong họ lại thêm da diết: Bác Hồ, Người là niềm tin thiết tha nhất...
Như một thói quen không thể bỏ, cứ mỗi dịp sinh nhật Bác 19-5, bác Trịnh Đức Tính (quê xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh) lại hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác. Bác tâm sự với chúng tôi: Dù công việc có bận mấy đi chăng nữa nhưng dịp tháng 5 nào tôi cũng dành thời gian cho những khoảnh lặng cho riêng mình để nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh-người cha già kính yêu của dân tộc. Tôi không có vinh dự gặp Bác Hồ nhưng trong những hành trang tôi mang theo trong suốt cuộc đời có tấm huy hiệu Người trao tặng từ khi tôi mới là cậu học trò 12 tuổi ở trường tiểu học Khánh Cường (huyện Yên Khánh). Đó đã trở thành động lực cho tôi phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống để nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.
Bồi hồi nhớ lại những ngày niên thiếu khi vinh dự được tặng huy hiệu Bác Hồ, bác Trịnh Đức Tính kể lại: Thời đó là những năm 1962, 1963 khi cả miền Bắc chung sức vì miền Nam ruột thịt, những thanh niên làng thì xung phong tòng quân, những thiếu niên như tôi thì cố gắng rèn luyện, học tập thật tốt... Tôi được Bác Hồ tặng huy hiệu vì có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác Đội, giúp đỡ bạn cùng vượt khó vươn lên.
Thời điểm đó tôi chỉ biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những tấm ảnh, những lời kể của cô tổng phụ trách nhưng khi biết tin mình vinh dự được tặng huy hiệu Bác Hồ thì thấy rưng rưng xúc động xen lẫn tự hào. Tôi không bao giờ quên giây phút thiêng liêng đứng dưới cờ Tổ quốc, đeo trên ngực Huy hiệu của Người và mặc dù còn rất nhỏ nhưng tôi đã ý thức được mình phải làm thật nhiều việc tốt, gương mẫu hơn nữa để xứng đáng với niềm vinh dự ấy. Cô tổng phụ trách nói với tôi: "Được đeo huy hiệu Bác Hồ là em luôn có Bác trong mỗi bước đi, mỗi việc làm, hành động của mình sau này"...
Tôi luôn nhớ câu nói đó và nỗ lực không ngừng suốt đời làm theo lời Bác. Lúc đó, khi là liên đội trưởng của trường tiểu học Khánh Cường tôi đã ghi nhớ 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng "Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Sau này khi lớn hơn nữa thì làm theo lời Bác bằng những việc cụ thể, lớn lao hơn, xứng đáng với thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.
Phát huy thành tích trong học tập và công tác Đội khi được tặng huy hiệu Bác Hồ, tôi đã nỗ lực không ngừng để có mặt trong lớp chuyên toán đặc biệt đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được kết nạp Đảng năm 18 tuổi tại Trường cấp III Lương Văn Tụy rồi được cử sang Liên Xô học 7 năm. Tại đây, sống giữa những người bạn Nga, tôi cũng được nghe kể nhiều về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ qua góc nhìn của những người ngoại quốc. Họ cũng khâm phục, kính trọng Bác và tôi thấy tự hào vì trong cuộc đời của mình đã từng được Bác trao phần thưởng quý giá là tấm huy hiệu của người.
Trở về sau một thời gian dài học tập, nghiên cứu tại nước Nga Xô viết, bác Trịnh Đức Tính đem những kiến thức đã được học phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, phát triển quê hương Ninh Bình. Kinh qua nhiều cương vị công tác như Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rồi Bí thư Thị ủy Tam Điệp, ở bất cứ nhiệm vụ nào bác cũng nêu cao tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có nhiều việc làm thiết thực làm theo lời Bác. Bác chia sẻ: Cả cuộc đời tôi như có Bác dẫn đường, chỉ lối. Tấm huy hiệu của Người năm xưa đã thành kỷ vật trong hành trang theo tôi suốt từ thời niên thiếu đến bây giờ, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ tin tưởng, giao phó.
Còn với cô Nguyễn Thị Vững (thôn Hệ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) thì việc được tặng huy hiệu Bác Hồ gắn với chiến công dũng cảm cứu bạn trong chiến tranh mặc dù khi đó mới chỉ là cô bé 11 tuổi. Cô vẫn nhớ rõ khi đó là năm 1965, máy bay địch ném bom ác liệt trên quê hương Ninh Vân. Cô xúc động nhớ lại: Trận đó, máy bay Mỹ bắn phá vào xí nghiệp đá Hệ Dưỡng, tôi và 7 bạn cùng thôn đang đi chăn trâu thì nghe thấy tiếng bom đạn nổ vang, đánh sạt cả một vệt sông dài, tất cả đều lo sợ nằm xuống.
Bạn Thìn khi đó nhảy ra thì trúng mảnh bom ngã xuống, ngực đầy máu. Tôi vội lao ra dìu bạn vào nhưng không kịp, Thìn đã mất. Mắt tôi nhòe đi, chưa kịp định thần lại thì nghe tiếng kêu từ Chính. Nhìn sang thấy đùi Chính đẫm máu, tôi vội chạy sang, xé áo băng sơ vết thương cho bạn rồi qua bên bạn Sói cũng đang bị thương ở vai, máu chảy ướt áo. Lúc đó tôi sợ lắm nhưng nghĩ nếu còn ở đây thì mình và tất cả bạn bè đều gặp nguy hiểm nên tôi đã cõng Chính trên lưng, một tay dìu Sói băng qua một cánh đồng rộng có đoạn lầy thụt ngập đến tận ngực để vào núi tránh bom đạn. Tôi cũng không hiểu tại sao khi đó mình nhỏ con nhất trong đám bạn mà lại khỏe đến thế.
Nghe những tiếng thở càng lúc càng đuối dần của Chính, nhớ lại hình ảnh Thìn mất ngay trong vòng tay mình, tôi như có thêm sức mạnh để trên lưng cõng bạn, một tay dìu bạn về nơi an toàn. Đi qua gần 3 cây số, cuối cùng tôi cũng đưa được các bạn vào trong núi để các cô y tá cấp cứu kịp thời. Sau đó, tôi đã vinh dự được tặng huy hiệu Bác Hồ vì có thành tích dũng cảm cứu bạn. Khi đó tôi còn nhỏ quá nhưng cũng ý thức được đấy là niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải ai cũng có được.
Sau đó 3 năm, một vinh dự nữa với tôi là được đại diện cho thiếu nhi toàn tỉnh nằm trong đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình về Hà Nội chịu tang Bác Hồ khi Người vĩnh viễn đi xa. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác nhưng là khi Bác đã yên giấc ngàn thu. Tôi nhớ rõ thời điểm đó thiếu nhi các tỉnh được thay phiên nhau đứng cạnh linh cữu Bác, mỗi nhóm 6 người, thời gian mỗi ca là 30 phút. Ban tang lễ quy định khi "làm nhiệm vụ" không được khóc thành tiếng. Bên ngoài Hội trường Ba Đình, các đoàn đại biểu xếp hàng kín cả sân trước, còn nhân dân cứ nối hàng suốt đêm ngày viếng Bác. Mưa gió tầm tã mà không một ai mặc áo mưa.
Trước khi đứng túc trực bên linh cữu Bác Hồ, chúng tôi được dặn dò: Các cháu ai cũng kính yêu, thương xót Bác Hồ nhưng không được khóc, phải dũng cảm, bản lĩnh để đứng bên cạnh Bác không làm Bác buồn. Tôi cứ phải cắn chặt răng lại, nhất là khi thấy các bạn thiếu nhi khác vào khóc lóc thảm thiết, nước mắt tôi tuôn trào suốt ca trực, ướt cả vạt áo trước ngực. Giây phút xúc động đó cả đời tôi không bao giờ có thể quên...
Huy hiệu Bác Hồ và những giây phút được túc trực bên linh cữu Người đã trở thành niềm tin thiết tha của cô Vững vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, bây giờ khi đã nghỉ hưu cô Vững vẫn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, là Chủ tịch Hội khuyến học, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã, luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, cuộc vận động của địa phương.
Chia tay chúng tôi, cô bùi ngùi: Những ngày tháng 5, lúc nào tôi cũng thắp nén hương thơm và nhủ thầm với lòng mình: Chúng con xin hứa với Người một lòng một dạ sắt son theo Đảng, làm theo lời Bác kính yêu...
Tuệ Minh