Cùng với lãnh đạo xã Khánh Công, chúng tôi đến thăm hộ gia đình bà Trần Thị Bế, xóm 11, một điển hình trong việc vay, sử dụng nguồn vốn ưu đãi có hiệu quả. Gia cảnh của bà Bế hết sức éo le, chồng bà ốm đau quanh năm mới mất cách đây ít lâu, đứa con trai duy nhất bị câm, bản thân bà cũng bị bệnh tim, sức khỏe rất yếu. Năm 2010, gia đình được hỗ trợ nuôi 1 con bò sinh sản theo chương trình của Tập đoàn VinGroup, có được 1 chú bê con làm vốn. Tuy nhiên, là người chịu thương, chịu khó, năm 2012 bà lại mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH để đầu tư mua một con bò nữa. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay bà đã có tất cả 4 con bò.
Bà Bế chia sẻ: "Nhờ có vốn vay của NHCSXH mà gia đình tôi có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế và đến nay đã thoát nghèo. Để kinh tế gia đình vững hơn nữa, tôi mong được tiếp tục vay vốn làm lại chuồng nuôi kiên cố, nuôi thêm con lợn, đàn gà để cải thiện cuộc sống gia đình".
Cũng như bà Bế, nhờ đồng vốn chính sách mà gia đình anh Vũ Duy Hưng, xóm 9 đã có cuộc sống khấm khá hơn. Anh Hưng cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định, vợ lại thường xuyên đau ốm. Có vốn vay 40 triệu đồng từ NHCSXH, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi.
Đến nay, quy mô đàn lợn của gia đình đã lên tới 9 lợn nái và 50-60 lợn thịt, trừ chi phí mỗi năm gia đình thu về 70-80 triệu đồng. Được biết, ngoài vay vốn hộ nghèo, gia đình anh Hưng còn được vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường 12 triệu đồng để xây bể nước, nhà vệ sinh.
Qua đi thực tế các hộ vay vốn ưu đãi trên địa bàn xã Khánh Công mới thấy người nông dân trân trọng đồng vốn chính sách của Nhà nước thế nào. Hiện xã Khánh Công thực hiện 7 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ trên 18 tỷ đồng và trên 870 hộ còn dư nợ ở 25 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, dư nợ hộ cận nghèo cao nhất gần 5 tỷ đồng; dư nợ hộ nghèo 2,3 tỷ đồng; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường 4,9 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Thanh Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Công cho biết: Là một xã thuần nông, ngành nghề truyền thống không có, bà con chủ yếu chỉ cấy hai vụ lúa một năm nên cuộc sống hết sức khó khăn. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao, năm 2010 tỷ lệ này chiếm hơn 20%, xã nằm trong 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh…
Thực hiện các Nghị quyết về việc đẩy mạnh công tác giảm nghèo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Huyện ủy Yên Khánh, đồng thời xác được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã Khánh Công đã quyết tâm, đồng lòng đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Qua tìm hiểu, khảo sát từng hộ nghèo, cận nghèo... để tìm nguyên nhân thì phần lớn các hộ nghèo là do thiếu công cụ sản xuất, kiến thức KHKT và đặc biệt là thiếu vốn.
Do vậy, xã đã tăng cường phối hợp với NHCSXH huyện Yên Khánh để tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Để đồng hành cùng người dân, xã còn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tham gia tư vấn, phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng.
Từ đó, hiệu quả nguồn vốn vay được phát huy. Nhiều hộ đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 8,48% (theo tiêu chí mới) và năm 2016 tỷ lệ này dự kiến chỉ còn khoảng 7%.
Hà Phương