Nhiều năm nay, Kim Sơn là một trong những huyện gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sạch, nhất là những xã bãi ngang còn khó khăn về nước ngọt. ở nhiều xã, phần lớn nước sinh hoạt của người dân đều dựa vào nguồn nước giếng đào, giếng khoan, chất lượng nước không đảm bảo; nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Mong ước của nhiều người dân là có được nước sạch để dùng.
Nhà máy cấp nước tập trung ở xã Yên Lộc (huyện Kim Sơn) được xây dựng năm 2011, với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng được hoàn thành và đưa vào hoạt động đã đáp ứng được mong mỏi và nhu cầu cấp thiết của nhân dân. Gia đình bà Đinh Thị Tải, xóm 6 phấn khởi cho rằng, có nước sạch đời sống người dân được nâng lên mọi mặt.
Ngoài đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, mua sắm thêm các phương tiện sinh hoạt phục vụ đời sống, người dân còn yên tâm vì sức khỏe được chăm sóc và công tác vệ sinh môi trường cũng được đảm bảo. Hầu hết người dân không còn mắc bệnh đau mắt, rối loạn tiêu hóa, các bệnh về da.
Được biết, để mọi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc sử dụng nước sạch, khi bắt đầu lắp đặt hệ thống dẫn nước vào các hộ gia đình, mỗi hộ phải đóng từ 5-7 triệu đồng chi phí, đây là số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình trong thôn, trong xã, do đó Hội Nông dân xã đã đứng ra thế chấp vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ có nhu cầu vay đầu tư lắp đặt đường ống và xây dựng các công trình nước sạch. Kết quả đến nay có gần 90% số dân trong xã được dùng nước sạch, góp phần hoàn thành tiêu chí xã đạt chuẩn NTM.
Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, đến nay, tại 119 xã trên địa bàn tỉnh hiện có 96 công trình nước sạch, trong đó 87 công trình đang hoạt động. Cùng với các công trình cấp nước sạch nhỏ lẻ quy mô thôn, xóm, tổ hợp tác, đã đưa tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 93,8% vào cuối năm 2016, vượt 0,3% so với kế hoạch đề ra, trong đó có 57,2 % số dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Ông Tống Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 2006, tỉnh Ninh Bình được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tại địa phương nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống của người dân nông thôn.
Các công trình đều có số vốn dự kiến lên đến vài chục tỷ đồng và sẽ cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân tại địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2015, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia không còn dẫn tới 9 công trình nói trên thi công dang dở. Trước thực trạng trên, Trung tâm đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để tiếp tục triển khai các công trình nước sạch.
Đến nay, Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Hoàng Dân đã tiếp nhận hàng chục công trình dở dang để đầu tư quản lý, khai thác với mong muốn tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch ngày một tăng. Hiện toàn tỉnh thực hiện xã hội hóa đầu tư 23 công trình cấp nước sạch tập trung do các công ty, doanh nghiệp vận hành, khai thác.
Theo đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 có trên 98% hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó trên 65% sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Nhằm đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động hiệu quả các công trình nước sạch, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa lĩnh vực kinh doanh nước sạch nông thôn đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, ưu đãi trong huy động vốn, được hỗ trợ vốn theo quy định của Nhà nước, từ đó thu hút được nhiều doanh nghiệp tiếp nhận sửa chữa và vận hành các công trình nước sạch.
Để tạo điều kiện cho nhiều người dân được tiếp cận với nước sạch cũng là góp phần hỗ trợ các địa phương hoàn thành tiêu chí nước sạch theo "Chương trình xây dựng nông thôn mới" cần có kế hoạch cụ thể và lồng ghép đầu tư xây dựng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cấp nước, cũng như thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch. Đồng thời, khá quan trọng và cần thiết là các tổ chức, đoàn thể, các ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch để nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó thực hiện có kết quả chỉ tiêu 85% số hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia ở các xã nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hạnh Chi