Bị "móc túi" mà vẫn làm ngơ Tình trạng cân sai, cân thiếu không còn là vấn đề mới mẻ gì đối với thị trường tiêu dùng, thế nhưng, ở những nơi được nhiều người tin cậy và đặt toàn bộ lòng tin về chất lượng và khối lượng sản phẩm như các siêu thị, cửa hàng bình ổn giá, tiệm tạp hóa… vẫn xảy ra nhan nhãn việc "mua gian bán lận". Theo một nhân viên tiếp thị bán hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình thì khối lượng của một số mặt hàng thực phẩm: nước mắm, nước tương, kẹo đóng gói… cho thấy khối lượng sản phẩm đóng gói đã bị "cắt xén".
Cụ thể, kẹo đóng gói in trên bao bì trọng lượng 200 g khi đổ sang cân đo, trọng lượng thực chỉ 190g, còn chai nước tương thể tích 500 ml khi rót ra bình đo chỉ có 470 ml.
Thực tế, số lượng bị hao hụt không lớn, khó phát hiện và nhiều khi có biết đến nhưng người tiêu dùng vẫn làm ngơ vì nghĩ lượng hao hụt chẳng đáng là bao. Theo ý kiến của một số người tiêu dùng, việc cân thiếu so với khối lượng in trên bao bì được nhiều người biết đến, tuy nhiên bởi khối lượng đó không lớn nên cũng tặc lưỡi cho qua.
Bởi sự thờ ơ với quyền lợi của chính mình, người tiêu dùng vô tình tạo cơ hội cho các doanh nghiệp làm giàu một cách dễ dàng. Chị Nguyễn Thu Hồng, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) nói: Do không có nhiều thời gian đi chợ nên hầu hết tôi đều vào siêu thị mua hàng cho tập trung. Hơn nữa tôi cũng rất tin tưởng hàng trong siêu thị về chất lượng cũng như giá cả. Chưa bao giờ tôi kiểm định lại về giá cũng như việc khối lượng in ấn trên bao bì sản phẩm".
Chính tâm lý tin tưởng đã giúp cho các doanh nghiệp "móc túi" người tiêu dùng dề dàng hơn. Bên cạnh việc cân thiếu, cân không đủ lượng in trên bao bì, người tiêu dùng còn bị "móc túi" bởi hàng giả, hàng nhái đang tràn ngập thị trường. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi với tần xuất ngày càng dày đặt hơn, dẫu biết là hàng giả nhưng nhiều người vẫn sử dụng bởi giá thành tương đối rẻ, việc làm này đã dần khiến cho người tiêu dùng không những không bảo vệ được lợi ích tiêu dùng, mà còn rơi vào tình trạng tiền mất tật mang.
Chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong người tiêu dùng là việc làm dường như quá xa vời, đa phần đều tỏ thái độ thờ ơ, việc làm này vô hình chung là cơ hội cho sản phẩm không đảm bảo chất lượng len lỏi vào trong đời sống và trực tiếp "vét túi" người tiêu dùng khi mà chất lượng sản phẩm không được đảm bảo.
"Công tác chống hàng giả, kém chất lượng gặp khá nhiều khó khăn trước tình trạng "làm ngơ" của người tiêu dùng. Trên thị trường có rất nhiều mặt hàng giả hàng nhái vẫn đang "ngang nhiên" tồn tại, đặc biệt khi đang mùa sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán. Những mặt hàng có thương hiệu bị làm giả càng gia tăng, tuy nhiên để phát hiện và xử lí kịp thời thì các cơ quan ban ngành cần có sự trợ giúp để những thông tin từ phía quần chúng mới có thể điều tra, bắt giữ và xử lí những trường hợp vi phạm này". Ông Ngô Minh Kim, Phó giám đốc Sở Công thương nói.
Cam chịu với tăng giá
Thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều mặt hàng tăng giá "chóng mặt", người tiêu dùng chỉ biết lặng lẽ "ngậm bồ hòn" mà chẳng thể làm gì. Thiết nghĩ, người tiêu dùng nên chủ động hơn trong việc đưa ra ý kiến để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Hãy thử suy nghĩ và đưa ra ý kiến cá nhân, có sự kết nối với các cơ quan có thẩm quyền để cùng đưa ra các giải pháp để lấy lại quyền lợi chung. Tiêu điểm xôn xao thị trường tiêu dùng gần đây, tăng giá "đột biến" của hai mặt hàng là sữa và gas. Cụ thể, trong năm 2013, mới 6 tháng đầu năm, sữa đã tăng giá đến 3 lần, mỗi lần tăng từ 5 - 10% giá bán. Thậm chí, một số loại sữa còn tăng 13 - 14%. Sau khi có quy định về quản lý giá đối với mặt hàng sữa và thực phẩm bổ sung nhưng 2 doanh nghiệp sữa ngoại vẫn thông báo tăng giá từ 3-5% đối với tùy từng chủng loại sữa.
Hay việc giá gas tăng "phi mã" trong thời gian gần đây, gas đến tay người tiêu dùng đã nhảy vọt lên 485.000-491.000 đồng/bình, tức là tăng thêm 78.000 - 79.000 đồng/bình 12kg so với lần tăng giá ở tháng 11.
Trước tình trạng này, người tiêu dùng chỉ biết tìm phương pháp để giảm thiểu sử dụng gas trong sinh hoạt bằng thay thế các nhiên liệu khác. Tuy nhiên, thử suy nghĩ đó có phải lài giải pháp lâu dài? Người tiêu dùng cần chủ động hơn nữa để đưa ra kiến nghị hay đề xuất dành cho các cơ quan chức năng. Bị động trước các mặt hàng tăng giá, người tiêu dùng nên tìm một hướng giải quyết mới để bảo vệ quyền lợi chính đáng, đừng mãi than vãn hay trông chờ vào "lòng hảo tâm" từ các doanh nghiệp.
Mặc dù thời gian qua các cơ quan quản lí Nhà nước đang cố gắng giải quyết các vấn đề về giá cả và chất lượng các sản phẩm lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào các cơ quan này thì e rằng còn rất nhiều khó khăn, vì vậy cần có sự phối hợp, hợp tác từ phía khách hàng.
Do đó, người tiêu dùng phải trực tiếp tham gia vào bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình bằng các kiến nghị, ý kiến phản ánh lên các cơ quan có thẩm quyền. Người tiêu dùng là chủ nhân của nền kinh tế thị trường và là người được quyền đưa ra quyết định và sự lựa chọn cho nhu cầu của chính mình, một nền kinh thế thị trường luôn phụ thuộc vào 50% quyết định của người tiêu dùng.
Vì vậy người tiêu dùng hãy thật tỉnh táo và thông thái, tận dụng tuyệt đối "quyền lực" vốn có để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Bảo Yến