Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó, ngay từ nhỏ ông Ngát đã thấm thía được nỗi vất vả của người dân nơi đây với hạt lúa, con lợn, con gà… Năm 19 tuổi, ông nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Sau 2 năm do bị thương nặng nên ông về trạm thương binh điều trị vết thương, đến năm 1980 ông xuất ngũ. Trở về quê với 2 bàn tay trắng cùng người vợ cũng là bộ đội, con còn nhỏ dại, cái nghèo luôn đeo bám gia đình ông.
Là gia đình có truyền thống làm cơ khí, cùng với sự đam mê nghề, ông Ngát mong muốn làm ra những công cụ lao động cho người nông dân. Năm 1981, ông Ngát đã mày mò tìm hiểu rồi gom góp hết vốn liếng cùng với vốn vay của Hội cựu chiến binh huyện, ông đã thành lập cơ sở gia công công cụ máy nông - ngư nghiệp Ngát Nhung. Ban đầu những khó khăn cứ chồng chất khi mà vốn đầu tư ít mà sản phẩm của cơ sở sản xuất và kinh doanh lại đòi hỏi số vốn cao. Cùng với đó, ông lại không được học qua trường lớp nào về cơ khí nên tất cả đều là mày mò, tự học rồi tự làm.
Rồi những khó khăn cũng qua đi khi sản phẩm cơ khí do ông làm ra ngày càng được người dân tin dùng. Lúc đầu chỉ là cơ sở nhỏ vừa kinh doanh vừa gia công công cụ máy, đến nay đã trở thành doanh nghiệp lớn với 3 cơ sở: 2 cơ sở tại xã Khánh Nhạc và 1 cơ sở tại thành phố Ninh Bình. Hiện nay, doanh nghiệp của ông vừa sản xuất ra những công cụ phục vụ cho nông - ngư nghiệp như máy xay xát gạo, công cụ sàng lọc thức ăn cho cá, cho gà, vừa sản xuất ra những công cụ phục vụ cho xây dựng như máy nhào hồ bê tông. Sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ phục vụ người nông dân trong tỉnh mà còn xuất ra các tỉnh lân cận như: Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An. Mỗi năm doanh nghiệp của ông đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Nếu như những năm trước đây, gia đình ông là 1 trong những hộ nghèo của xã Khánh Nhạc thì bây giờ ngoài ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông còn mua thêm nhiều phương tiện phục vụ cho việc kinh doanh. Ba anh con trai ông có điều kiện được học hành và thành đạt. Không những thế, ông Ngát còn tạo cơ hội vệc làm cho 20 công nhân là thương binh, bộ đội trong xã. Bên cạnh đó, ông còn tham gia dạy nghề cho khoảng 40-50 người là con em cựu chiến binh và tạo việc làm cũng như nơi ăn ở cho họ... Những người này hiện nay đã mở cơ sở riêng và làm ăn có lãi. Đó là cách ông tri ân với những đồng đội cũ.
Gặp chúng tôi, ông Ngát vui vẻ cho biết: "Với lòng yêu nghề, lúc đầu tôi mày mò sản xuất ra những công cụ cho người nông dân đỡ vất vả hơn nhưng dần dà có vốn nên tôi quyết định mở rộng cơ sở để giúp đỡ những người cựu chiến binh như tôi có việc làm và bớt khó khăn hơn"
Nói về ông Ngát, ông Tạ Đức Điều, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Nhạc cho biết: "Chúng tôi rất cảm phục ông Ngát bởi từ 1 gia đình nghèo khó, nay ông đã vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho nhiều con em cựu chiến binh. Ông Ngát xứng đáng là tấm gương cho các hội viên noi theo".
Trần Huệ