Nguyễn Văn Định sinh năm 1988. Ngay từ khi mới sinh ra, anh đã là người kém may mắn bởi một nửa người bên phải của anh Định bị teo cơ, rất khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt. Khi Định đủ tuổi đến trường, thấy con ham học, gia đình anh quyết định cho con tới trường. Việc học của Định ban đầu khó khăn hơn chúng bạn vì anh không viết được tay phải. Nhưng càng khó khăn, Định càng thêm quyết tâm. Ngày ngày anh miệt mài rèn chữ, luyện viết. Những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng. Định luôn là học sinh có thành tích học khá nhất, nhì của lớp. Tốt nghiệp THPT, Định học tiếp trường Cao đẳng nội vụ, rồi được nhận vào làm nhân viên thư viện ở trường THCS Liên Sơn.
Công việc của một thủ thư ở trường càng làm cho Định thêm yêu cuộc sống, tự tin vào bản thân mình. Điều kiện cơ sở vật chất của thư viện nhà trường còn nhiều khó khăn, Định nghĩ, phải bắt tay "cải tổ" và vạch ra kế hoạch để biến thư viện của trường trở thành nơi học tập bổ ích của các em học sinh. Để thu hút được học sinh đến với thư viện, Định tự "thiết kế" trang trí, bày biện phòng đọc thật khoa học, tiện lợi. Để có lượng sách, báo nhiều, phong phú phục vụ độc giả, thủ thư Nguyễn Văn Định đã tích cực tuyên truyền, vận động các em học sinh tặng lại sách giáo khoa cũ, vận động người địa phương thành đạt tặng đầu báo đóng góp cho thư viện. Nhờ vậy, "vốn liếng" sách, báo của thư viện cũng khá phong phú như: sách giáo khoa, sách tham khảo cấp 1, cấp 2… Em Nguyễn Thị Liên, học sinh lớp 7B, trường THCS Liên Sơn cho biết, gia đình em còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, em không mua được những loại sách tham khảo. Từ khi thư viện đi vào hoạt động, các em có điều kiện tiếp cận với nhiều loại sách, tài liệu bổ ích, thiết thực phục vụ cho việc học văn hóa ở trường. Mỗi ngày, em thường đi học sớm hơn một chút để vào thư viện trả sách và mượn sách mới. Những buổi trống tiết, các em cũng rủ nhau lên thư viện đọc sách.
Không chỉ cho học sinh mượn sách tại thư viện, thủ thư Nguyễn Văn Định còn linh động tạo điều kiện để các em học sinh mang sách về nhà, với mong muốn các em dành nhiều thời gian hơn cho sách chứ không chỉ có chút giờ giải lao ngắn ngủi giữa các tiết học. Việc làm đó cũng là động lực cho các em phấn khởi và nhiệt tình mượn sách hơn. Học sinh mượn sách vào giờ ra chơi, và lúc học sinh đã vào tiết học thì Định lai tranh thủ sắp xếp lại thư viện, để giờ ra chơi sau các em học sinh có sách để đọc. Anh Định cho biết, làm cán bộ thư viện không đơn giản chỉ là thụ động chờ những yêu cầu của bạn đọc, nhất là khi bạn đọc lại là các em học sinh. Chính người thủ thư phải là người định hướng việc đọc cho các em. Chính mình phải là người chủ động tìm kiếm, chọn lọc thông tin rồi cô đọng lại bàng những từ ngữ mềm mại, thuyết phục để truyền cho các em sự ham thích khám phá những thông tin đó...
Nguyễn Hùng