Đặc biệt, nhờ bàn tay, khối óc, tình yêu dành cho đất của nghệ nhân Nguyễn Thị Mai, sản phẩm gốm Gia Thủy hiện đã xây dựng thành công thương hiệu, có chỗ đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
Sinh năm 1968 tại vùng quê Gia Thủy, có bố mẹ làm nghề gốm, ngay từ nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Mai đã say mê với từng cục đất sét của quê hương. Mỗi khi theo bố mẹ đến xưởng gốm, cô bé Mai lại say sưa ngắm các cô, các chú nhào nặn, xoay tạo hình những cục đất thành những chiếc nồi, bình, chum... đẹp mắt, ấn tượng. Từ đó nuôi dưỡng trong cô tình yêu, niềm say mê với nghề thủ công gốm mỹ nghệ của quê hương.
Nghệ nhân gốm mỹ nghệ Nguyễn Thị Mai chia sẻ: Phát huy truyền thống của gia đình làm gốm, tôi đã quyết tâm học và theo nghề từ khi tốt nghiệp THPT. Làm nghề gốm thủ công, nguồn thu nhập chỉ đủ ăn và chi phí nuôi con ăn học, thế nhưng khi đã lựa chọn nghề, mỗi người thợ không cân đo đong đếm thiệt hơn giữa nghề này với nghề kia, chỉ tâm niệm sẽ theo nghề cả đời, để giữ và truyền nghề cho các thế hệ người con quê hương.
Hơn 30 năm trước, thợ gốm Gia Thủy chủ yếu làm vật dụng đơn giản phục vụ đời sống như ngói, chum, vại, nồi niêu đất... Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, sản phẩm gốm Gia Thủy hiện đại hơn, phục vụ theo thị hiếu người tiêu dùng, với các sản phẩm trang trí hoa văn họa tiết bắt mắt, nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng, là động lực cho các nghệ nhân tiếp tục lao động, sáng tạo, giữ và truyền nghề, nâng cao đời sống.
Với chị Mai, sản phẩm thủ công mỹ nghệ không có quy chuẩn kỹ thuật nào. Mỗi sản phẩm là trí tuệ và tình cảm, niềm đam mê của người thợ làm gốm. Để có tay nghề vững, chị Mai luôn nỗ lực để nâng cao tay nghề qua các sản phẩm làm trực tiếp hằng ngày; học qua đồng nghiệp; học kỹ thuật làm gốm theo công nghệ mới từ nghệ nhân của Nhật Bản về tại Gia Thủy truyền nghề..., ngày càng làm ra các sản phẩm gốm chất lượng và tinh xảo hơn.
Sản phẩm gốm Gia Thủy có nét đặc trưng riêng, được tạo ra từ chất đất pha trộn 3 màu khác nhau gồm xanh, nâu, vàng, khi đất nung trên 1.200oC cùng với khói của cây củi keo tạo ra màu sành bóng đẹp như màu men. Để có sản phẩm đạt chất lượng cao, ngay từ khâu làm đất đã phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như ngâm, lọc chỉ lấy mộng đất (bùn), bỏ cặn, phơi đất dính trên tường cho nhanh ráo nước, làm cho đất nhuyễn, dẻo, mới tạo hình được sản phẩm.
Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, cần tay nghề có kinh nghiệm của các nghệ nhân. Mỗi công đoạn làm gốm yêu cầu người thợ cần có sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau. Thông thường, để tạo hình chiếc vò, chum, vại, bình hoa, người thợ sẽ nặn đất thành những thớ dài tròn rồi đưa lên bàn xoay ghép lại với nhau cho kín, tránh sản phẩm có lỗ dò. Các sản phẩm được tạo hình tiếp tục phơi ráo nước và gắn hoa văn trang trí làm đẹp cho sản phẩm gốm.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Mai, trăn trở của chị hiện nay là người làm nghề gốm đa phần chỉ người trung và cao tuổi. Việc truyền nghề cho thế hệ trẻ luôn được các nghệ nhân làng nghề gốm ưu tiên và đau đáu tìm kiếm.
Mặc dù những năm gần đây, nhu cầu mua bình, vò, chum, sành để ngâm rượu, làm mắm tép và đựng các dung dịch lỏng tăng cao, nghề gốm Gia Thủy sản xuất nhộn nhịp và cho thu nhập cao hơn trước. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thu nhập từ nghề ổn định với mức lương từ 6,5-7 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, lớp trẻ vẫn không mặn mà theo học nghề truyền thống của cha ông.
Khắc phục khó khăn đó, hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Mai vẫn nhiệt huyết truyền nghề và cùng những người thợ có tay nghề cứng tại Hợp tác xã không ngừng cố gắng, nỗ lực để HTX có thêm nhiều nghệ nhân gốm. Tiếp tục tuyên truyền nét đẹp làng nghề gắn với phát triển du lịch, góp phần giúp nghề gốm không bị mai một.
Bằng những cống hiến, niềm đam mê với nghề gốm truyền thống, nghệ nhân gốm mỹ nghệ Nguyễn Thị Mai đạt giải C với tác phẩm "Bình cảnh đồng quê" tại cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2015 do Sở Công thương trao tặng. Chị cũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu nghệ nhân gốm mỹ nghệ.
Bài, ảnh: Tiến Minh