Xưởng mộc của gia đình ông khá rộng. Bước vào xưởng mộc là ngổn ngang những thân gỗ xoan, mít… to bằng một người ôm đã được bật mực, chuẩn bị xẻ làm nhà. Thời nay, khách làm nhà gỗ, nhà cổ ít hơn ngày xưa. Mỗi năm cha con ông làm chỉ 1 chiếc nhà cổ. Khách hàng ở khắp nơi. Có những người ở tận tỉnh xa cũng nghe tiếng ông mà tìm tới. Hiện, ông đang nhận làm nhà cho một khách hàng ở Gia Viễn.
Ông Chung nói rằng, người ta thường đặt cả nếp nhà thờ từ 2 đến 3 gian, còn loại gỗ thì tùy khách. ở đây, ông thường làm nhà bằng 4 thứ gỗ: xoan, mít, dổi và lim. Trong đó, nhà làm bằng gỗ lim là đắt tiền nhất, còn rẻ nhất là gỗ xoan. Thời điểm này, một căn nhà gỗ lim 3 gian có giá hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng nhưng nếu làm bằng gỗ xoan thì rẻ hơn nhiều.
Theo kinh nghiệm của ông Chung, gỗ lim, gỗ dổi rất tốt. Còn gỗ xoan mềm nhưng dai, nhẹ, rất ít bị mối, mọt, gỗ mít vừa đẹp, vừa không nứt nẻ, dễ làm, sử dụng được lâu bền. Bởi thế mà những loại gỗ này rất phù hợp để sử dụng làm nhà thờ. Nếu mái nhà không bị dột nước thì ngôi nhà đó có thể sử dụng hàng trăm năm.
Ông Chung dừng tay, phủi vội lớp bụi bám dày vào quần áo để tiếp chúng tôi. Năm nay ông đã 68 tuổi, nhưng nom ông vẫn nhanh nhẹn, đôi mắt còn tinh anh lắm. Ông Chung hóm hỉnh, một năm thì cả 365 ngày ông ở dưới xưởng. Có lần ông ốm, cả gia đình "bắt" ông phải nghỉ ngơi, nhưng nghỉ thì lại càng ốm hơn bởi ông nhớ da diết cái đục, cái cưa. Cái nghề này đã giúp ông ổn định cuộc sống nơi đất khách, có điều kiện chăm lo cho gia đình một cuộc sống đủ đầy. Khi đã qua bên kia cái dốc của cuộc đời, với ông Chung, nghề mộc không chỉ là cơm, là áo nữa mà nó là tình yêu, là niềm đam mê mãnh liệt.
Nhấp chén nước chè nóng, ông Chung trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về cái nghiệp mà ông đeo đuổi cả đời người. Ông bảo, ngày xưa người làng Ninh Phong chỉ có mỗi một nghề, ấy là nghề mộc. Khi tổ tiên của ông Chung đi khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất Quỳnh Phong cũng đã mang theo cái nghề này như một "bảo bối" để sinh nhai, để tồn tại.
Khi mới chỉ là cậu bé 13, 14 ông Chung đã là một thợ phụ lành nghề của gia đình. Ông cũng bào, cũng gọt, cũng cùng đoàn thợ của cha đi dựng nhà ở khắp nơi. Đến năm 17 tuổi, ông thực sự trở thành một người thợ độc lập. Ông tham gia vào đoàn thợ và được chấm công như một thợ chính. Thời ấy, ở vùng quê mới của ông những người thợ mộc cũng còn hiếm lắm. Bởi thế mà người thợ được mọi người kính trọng và quý mến lắm. Xưa, người thợ làm mộc hoàn toàn bằng thủ công, sản phẩm chủ yếu là để tiêu dùng.
Trong làng, xã nhà ai có nhu cầu dựng nhà, các ông thợ mộc sẵn sàng đến giúp dựng kèo, lắp cửa, trổ cột… mà không đặt nặng vấn đề tiền công. Chủ nhà có hoàn cảnh khó khăn, đôi khi trả công thợ chỉ bằng bữa cơm đạm bạc với vài chén rượu nhạt. ấy thế mà thợ vẫn vui vẻ, tình làng nghĩa xóm vì thế mà thêm bền chặt. Nếu làm nhà ở bình thường thì chỉ cần lấy mực cho chuẩn là được. Nhưng với nghề làm nhà thờ thì cần phải cầu kỳ, tốn nhiều công sức, có những ngôi nhà phải làm tới… 4 mùa lúa mới xong.
Vì ngoài làm tốt, còn phải hoa văn sắc nét, chạm khắc tinh xảo theo yêu cầu khách. Khó nhất là khâu chạm khắc, nếp nhà đẹp hay không phụ thuộc rất lớn đến hoa văn chạm khắc, do vậy cần phải có tay thợ giỏi. Không những đẹp về hình thức mà luôn thực hiện đúng thời gian đặt hàng của khách. Dần dần, ông Chung tự nghiên cứu và làm ra những sản phẩm hướng tới sự tinh xảo, nghệ thuật hơn như tủ, bàn ghế, trường kỷ…
Đến bây giờ, thì ông chỉ làm những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện đó là đồ thợ tự. Ông Chung đục khám thờ, đục kiệu, bát biểu, nhang án thờ, cuốn thư, hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai các đồ thờ tự… cùng với nghề sơn son thiếp vàng được nhiều khách hàng tới đặt mua. Mỗi năm, ông Chung thu nhập hàng trăm triệu đồng, từ hàng chục đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ông Chung tự hào, thợ mộc là nghề gia truyền của làng Quỳnh Phong. Cũng có lúc làng nghề thăng trầm, nhưng cha truyền con nối, các thế hệ người dân nơi đây không ngừng nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của làng để có sự khởi sắc như hôm nay. Là xưởng mộc lớn trong làng, lại chuyên làm những mặt hàng tinh xảo nên nhiều thanh niên trong và ngoài xa tìm đến ông Chung để học nghề. Cả 3 người con trai của ông cũng nối nghiệp ông làm nghề mộc và cũng thuộc hàng thợ có tiếng tăm. Có người đến học nghề hay qua những câu chuyện đàm đạo về nghề với bạn bè, ông Chung không hề giấu nghề. Những người đến học nghề đều được ông chỉ bảo, đào tạo chu đáo.
Đến nay, ông Chung đã truyền nghề cho 50 con, cháu trong làng. Sau khi vững tay nghề, có người ở lại làm việc cho ông, cũng có người mở xưởng riêng. Với ông Chung, niềm vui không chỉ sau khi hoàn tất một tác phẩm giàu nghệ thuật mà trên tất thảy, đó còn là niềm vui, tự hào khi được góp sức cùng tổ tiên duy trì và phát triển nghề mộc truyền thống. Đặc biệt, tác phẩm cuốn thư của ông Chung đã dự thi và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Bản thân ông Chung được công nhận là nghệ nhân thủ công mỹ nghệ.
Bài, ảnh: Đào Hằng