Phóng viên (P.V): Là người đã có 34 năm gắn bó với nghề dạy học, ông có thể cho biết cảm xúc của mình mỗi khi ngày 20-11 đến gần.
Thầy Lê Nguyên Hồng ( L.N.H): Tôi yêu nghề dạy học, vì thế tôi đã thi vào khoa Toán, trường Đại học Sư phạm I (Hà Nội). Quê tôi ở Thanh Hóa, nhưng sau khi ra trường lại được phân công về giảng dạy ở Kim Sơn. Từ năm 1974 đến năm 1992 tôi trực tiếp tham gia giảng dạy, tiếp đó tôi được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường THPT Kim Sơn A. Đến năm 1999 thì được điều về trường THPT Kim Sơn B và giữ trọng trách là hiệu trưởng.
Qua 34 năm gắn bó với nghề, gắn bó với mảnh đất Kim Sơn, tôi đã coi nơi đây như quê hương của mình, mong muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ học sinh thân yêu. Với tôi, dù không còn trẻ nữa nhưng cảm xúc mỗi khi đến ngày 20-11 dường như không có gì thay đổi, vẫn bâng khuâng, phấn chấn. Tôi thấy vui hơn khi được chứng kiến sự trưởng thành của các em học sinh. Nhiều em trước đây rất nghịch, từng làm các thầy, cô vất vả, nhưng nay gặp lại, các em đã khôn lớn và trở thành người có ích cho xã hội, điều đó giống như phần thưởng lớn mà không phải nghề nào cũng có được.
P.V: Điều ông tâm đắc nhất khi gắn bó với nghề dạy học là gì?
Thầy giáo L.N.H: Từ khi làm giáo viên đến khi làm quản lý giáo dục, tôi luôn trăn trở phải làm sao nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là đối với trường THPT Kim Sơn B, đầu vào trước đây rất thấp, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt mức trung bình so với cả tỉnh. Tôi quan niệm để đạt chất lượng thì phải làm từng bước và phải xuất phát từ tình hình thực tế, không nên nôn nóng, đốt cháy giai đoạn. Vì vậy, việc dạy và đánh giá thi đua của tôi cũng có phần khác. Một học sinh yếu nếu vươn lên mức trung bình đã có thể được khen thưởng. Đối với giáo viên cũng vậy, do đầu vào của chúng tôi thấp nên giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi chỉ cần có học sinh được điểm 8/20 là đã được thưởng… Cứ vậy, qua mỗi năm, chất lượng của trường đã nâng lên nhiều, mỗi sự tiến bộ của thầy và trò đều được ghi nhận. 2 năm qua, trường THPT Kim Sơn B đã vươn lên tốp đầu về chất lượng. Năm học 2007-2008 trở thành đơn vị dẫn đầu khối THPT của tỉnh, tỷ lệ tốt nghiệp vòng 1 đạt 96,5% ( đối với hệ công lập) và 72% ( đối với hệ bán công). Năm vừa qua, trường có 45% học sinh đỗ đại học, cao đẳng.
P.V: Theo ông, thầy và trò hôm nay đang đứng trước thuận lợi, khó khăn gì?
Thầy giáo L.N.H: Học sinh bây giờ có điều kiện học tốt hơn, theo đó cũng có nhiều em học giỏi xuất sắc hơn.Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tỷ lệ nhỏ, khoảng 5-10% học sinh chưa ngoan, ý thức rèn luyện kém, học yếu, thậm chí có em còn vi phạm pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, ngoài trách nhiệm của nhà trường, cần có sự phối hợp, giúp đỡ của gia đình và xã hội, nhất là trên lĩnh vực giáo dục đạo đức. Đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ, thì cơ hội được học hành, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng rất lớn. Sau khi tốt nghiệp ra trường họ có thể học lên bậc cao học, nghiên cứu sinh. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin họ tiếp cận rất nhanh, do đó góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường.
P.V: Thời điểm hiện tại, người thầy cần phải làm gì để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Thầy giáo L.N.H: Nghề dạy học là một nghề cao quí, được xã hội thừa nhận và tôn vinh. Vì vậy, người thầy phải luôn ý thức giữ gìn hình ảnh đẹp của mình trước mọi người, trong đó có học sinh và các bậc phụ huynh. Ngoài việc giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, còn phải có tâm huyết với nghề. Từ thực tế tôi đã trải qua, có thể nói nghề dạy học rất cao quí nhưng cũng rất vất vả, nếu thiếu đi lòng nhiệt huyết thì khó có thể vượt qua khó khăn để đi tới thành công. Ngày nay, khi cơ chế thị trường phát triển, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, tác động tích cực cũng có mà tiêu cực cũng nhiều, nếu không vững vàng sẽ phải trả giá. Tôi nghĩ một người thầy tốt bao giờ cũng được học trò yêu quí và nhớ lâu, đó cũng chính là nguồn động viên với những ai đã chọn nghề dạy học.
P.V: Xin cảm ơn thầy.
Hà Trang (thực hiện)