Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề mộc truyền thống, ngay từ nhỏ Cần luôn được ông và bố cho đi ngắm hình ảnh chạm khắc rồng, phượng trên kiến trúc nhà gỗ ở chùa, nhà thờ, từ đó ngày càng bồi đắp thêm niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc trên gỗ truyền thống cho anh. Sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Cần không thi đại học mà chọn cho mình con đường riêng là tiếp tục học nghề mộc, sau đó đi làm nghề mộc gia dụng tại Đắk Lắk kiếm sống. Trong quá trình làm nghề, năm 2008, như nhân duyên, Cần được gặp người nghệ nhân điêu khắc gỗ người Phù Khê, tỉnh Bắc Ninh có tiếng trong nghề điêu khắc gỗ và xin theo học nghề từ nghệ nhân này.
Với tinh thần ham học hỏi, khiếu quan sát và óc sáng tạo, sau 3 năm, Cần được thầy truyền nhiều kiến thức về nghề điêu khắc gỗ, giúp anh có hành trang khá vững vàng để khởi nghiệp. Ban đầu, anh tự nhận hàng và làm tại các tỉnh Nha Trang, Lâm Đồng, Bến Tre, tự học được nhiều kinh nghiệm từ chính các tác phẩm của mình và nâng dần tay nghề. Đến năm 2012, với mong muốn được phát triển nghề tại quê hương, Đỗ Văn Cần quyết định về quê mở xưởng sản xuất điêu khắc gỗ. Thời gian đầu, do sản phẩm làm ra thiếu sự đột phá, mẫu mã ít nên xưởng sản xuất vắng khách. Không nản chí, anh đã nghiên cứu đưa ra ý tưởng mới, độc đáo và lạ mắt, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó, khách hàng tìm đến cơ sở của anh đặt hàng ngày càng nhiều.
Chia sẻ về nghề, anh Đỗ Văn Cần cho biết: Không như những nghề khác, nghề điêu khắc gỗ rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, óc sáng tạo và sự nhạy bén ở người thợ, từ đó mới chạm đến sự thăng hoa trong từng tác phẩm, để "thổi hồn" vào khối gỗ vô tri. Đây là công việc cầu kỳ, tỉ mẩn, bởi tất cả các công đoạn đều làm thủ công bằng tay với dụng cụ chính là chiếc đục... Trong quá trình thực hiện mỗi tác phẩm điêu khắc, việc lựa chọn gỗ, sơ chế gỗ, đục thô đến các công đoạn chạm khắc tinh xảo và tạo hình… đều cần đến sự tập trung cao nhất của người thợ. Để làm ra một tác phẩm hoàn chỉnh, ngoài sự khéo léo, tỉ mẩn, người thợ cần có đầu óc quan sát tinh tế.
Trong gần 10 năm theo nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ, anh Cần luôn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đa dạng, độc đáo, đặc sắc, với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Các dòng sản phẩm chính của cơ sở mỹ nghệ của anh chủ yếu là tranh, tượng gỗ mỹ nghệ về tâm linh Phật giáo, Công giáo như: Tượng gỗ Phật Di Lặc, Đạt Ma Sư Tổ, Thập bát La Hán, Phúc Lộc Thọ, gia đình Thánh gia, cùng các sản phẩm tranh tường tứ quý tùng, cúc, trúc, mai, đồ gỗ lũa tự nhiên, chim thú, chậu hoa… Giá trị mỗi sản phẩm phụ thuộc vào chất liệu gỗ, kích cỡ sản phẩm, trong đó giá thấp nhất của sản phẩm từ 1,5 đến vài chục triệu đồng.
Bên cạnh việc tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị sử dụng cao, anh Đỗ Văn Cần hiện đã xây dựng được thương hiệu điêu khắc gỗ mỹ nghệ cho mình với tên gọi "Xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ Cần Dung" tại xã Đồng Hướng. Đồng thời tích cực đào tạo, giúp đỡ nhiều thanh niên trong xã và khu vực lân cận học nghề, tạo việc làm ổn định cho 4 thợ lành nghề đang làm tại xưởng với mức lương từ 4,5 - 7 triệu đồng/tháng.
Để xưởng điêu khắc gỗ ngày càng phát triển và có chỗ đứng trên thương trường, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động, những năm gần đây, anh Đỗ Văn Cần luôn tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm làm nghề qua đồng nghiệp ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, qua mạng xã hội, các hội nhóm nghề điêu khắc gỗ; tham khảo các mẫu mới trên mạng Internet, các phương tiện thông tin đại chúng để đưa vào sản xuất, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, bình quân thu nhập từ nghề của anh Cần đạt trên 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Vân