Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Yên Lộc, chúng tôi tìm đến gia đình người quản trang đã có trên 20 năm gắn bó với nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà Đặng Xuân Khiêm. Khi chúng tôi tìm đến nhà ông, ông không có nhà. Người nhà ông chỉ cho chúng tôi đến nghĩa trang liệt sỹ của xã, và nói rằng vào những ngày tháng Bảy, nơi duy nhất ông Khiêm lui tới chính là nghĩa trang này.
Quả đúng như vậy, từ xa chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh của người đàn ông cao, gầy thấp thoáng sau những lùm cây xanh. Ông Khiêm đang dọn cỏ cho nghĩa trang, vội vàng để tránh trận mưa rào sắp ập tới. Ông bảo, loại cỏ này sống dai lắm, cứ vài ngày không ngó tới là nó đã cao ngang người. Rồi ngẫm, sự mãnh liệt, bền bỉ của các loài cỏ cây cũng tựa như tuổi trẻ của thế hệ ông năm nào.
Ngày ông Khiêm và đám bạn cùng quê nhập ngũ, tuổi chỉ vừa đôi mươi, ai cũng gầy guộc, bé nhỏ cả. ấy vậy mà khi bước chân vào quân ngũ, đứng trước mũi súng quân thù thì ai cũng chững chạc, kiên cường.
Những chuyến hành quân xuyên rừng, những trận sốt rét, những vết thương rách da thịt… chẳng còn là gì so với khát vọng được cống hiến. Chiến tranh đi qua, nhiều đồng đội của ông Khiêm, nhiều người bạn cùng quê, cùng xung phong vào lính với ông năm nào đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.
Còn ông, may mắn được trở về sau cuộc chiến, và ông Khiêm gắn với công việc quản trang cũng từ ấy. Thời gian thấm thoắt đưa, người chiến sỹ trở về sau cuộc chiến năm nào nay mái tóc đã pha sương, ông cũng đã trở thành ông nội, ông ngoại, nhưng sự cần mẫn với công việc thì vẫn vẹn nguyên như thuở nào.
Ông Khiêm vừa dọn dẹp, vừa trò chuyện với chúng tôi và cũng như thể trò chuyện với đồng đội của ông. Ông kể, lúc ông mới làm ở đây, mọi thứ đều còn rất hoang vu. Thế nên hễ đi đâu thấy cây gì đẹp lại cho bóng mát, cho hoa thơm thì ông Khiêm đều xin về trồng ở nghĩa trang rồi cặm cụi chăm sóc, tưới nước cho từng cây. Ngày nào cũng vậy, cứ vơi việc nhà là ông lại ra nghĩa trang, ngắm nghía xem cần trồng thêm cây gì, cần dọn dẹp chỗ nào… để nghĩa trang thực sự khang trang, sạch sẽ.
Trải qua thời gian, với đôi bàn tay khéo léo và tỉ mẩn của ông Khiêm đã dần biến nơi đây thành một không gian xanh tươi, thoáng mát, tĩnh lặng linh thiêng. Hồ sen ông trồng phía bên ngoài vừa tạo vẻ đẹp cho khuôn viên nghĩa trang, lại vừa tỏa hương thơm thanh khiết. Ông Khiêm bảo, hiện nay trong nghĩa trang liệt sỹ xã Yên Lộc có hơn 100 liệt sỹ an nghỉ. Hầu hết liệt sỹ ở đây đều còn ở độ tuổi rất trẻ.
Không chỉ làm đẹp cảnh quan cho nghĩa trang, hàng ngày ông Khiêm còn lau chùi, dọn cỏ cho từng phần mộ. Trong hơn 100 ngôi mộ liệt sỹ, phần lớn là con em địa phương, là những người mà ông Khiêm quen biết, thậm chí là cả những người bạn "nối khố" cùng vào sinh ra tử với ông năm nào.
Nhưng cũng có hơn một chục ngôi mộ liệt sỹ vô danh. Những ngôi mộ này khiến ông Khiêm trăn trở và luôn dành cho họ một sự quan tâm đặc biệt, đó là sự bù đắp tình cảm của chính người thân ruột thịt. Hàng năm, vào những ngày lễ, Tết, ông đi đến từng ngôi mộ để đặt lên đó những bông hoa trắng muốt, thắp cho các liệt sỹ nén tâm nhang, rủ rỉ trò chuyện với đồng đội, rồi lại ngẩn người suy ngẫm.
Các liệt sỹ vô danh nằm ở đây, nghĩa là còn nhiều bà mẹ, nhiều chị, nhiều người vợ… đau đáu, khắc khoải nỗi nhớ thương và đang tìm kiếm các anh. Còn các anh, dù quây quần trong tình đồng đội, ấm áp trong tình cảm của người dân Yên Lộc, nhưng hẳn là các anh vẫn thèm lắm nghĩa tình ruột thịt ở quê nhà…
Hơn 20 năm gắn bó với nghĩa trang liệt sỹ Yên Lộc, công việc mà nhiều người cho rằng tẻ nhạt và nhàm chán này lại được ông Đặng Xuân Khiêm trân trọng. Mỗi ngôi mộ, mỗi gốc cây trong nghĩa trang này đều gần gũi, thân thuộc với ông. Nói về mưu sinh thì không hẳn vì mức hỗ trợ cho công việc quản trang này chẳng đáng là bao.
Nhưng công việc quản trang không đơn giản chỉ là một công việc, mà trong không gian tĩnh lặng, yên bình của nghĩa trang, ông Khiêm đã tìm thấy được niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống của những người may mắn được trở về sau chiến tranh, một việc làm nhỏ tri ân đồng đội đã hy sinh.
Nguyễn Hùng