Ngày nào cũng vậy, công việc cứ lặp đi lặp lại, vừa gò bó lại vừa nhàm chán. Thời gian làm việc của anh bao giờ cũng dài hơn giờ hành chính. Bởi lẽ số lượng từ 150 đến 200 phạm nhân hàng ngày anh phải trực tiếp 4 lần kiểm tra, kiểm diện việc xuất, nhập trại. Trong số này có lúc tới 80% có tiền án, tiền sự, phức tạp về thành phần, lứa tuổi, mức độ phạm tội, trình độ nhận thức và địa bàn sinh sống. Bên cạnh đó, có những phạm nhân nghiện ma túy, nhiễm HIV, gia đình thiếu quan tâm thăm nuôi nên thường có biểu hiện tâm lý không ổn định, bất cần đời, luôn vi phạm nội quy và có ý định tự sát hoặc đe dọa truyền bệnh cho cán bộ công an...
Công tác trong môi trường đặc biệt này, Đại úy Phan Văn Lý hiểu rằng: Uốn một cành cây đã khó, giáo dục một con người là việc làm còn khó gấp vạn lần. Với quan điểm phạm nhân là người vi phạm pháp luật, nhưng họ là những con người nên phải đối xử với họ bằng tình người và chỉ có tình người mới thu phục, giáo dục họ tiến bộ. Để làm được điều này, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, người cán bộ quản giáo càng phải "nghiêm" với họ ngay từ ngày đầu nhập trại.
Nhiệm vụ của anh tại Trại tạm giam - Công an tỉnh là sắp xếp trật tự buồng giam, tổ chức phân loại, quản lý chặt chẽ phạm nhân, thực hiện đúng quy định của pháp luật và nội quy của trại. Sâu sát, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những biểu hiện vi phạm nội quy như lợi dụng đi lao động tìm cách đưa vật cấm vào buồng giam, có tư tưởng trốn trại, bè phái, địa phương... để phát hiện ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm nội quy, biểu dương những phạm nhân cải tạo tốt. Chỉ trong năm 2008, anh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 50 vụ vi phạm nội quy trại.
Ngoài giờ lao động, anh còn thường xuyên tổ chức cho phạm nhân học tập chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nội quy trại, nhất là chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người thật sự ăn năn hối cải. Đồng thời luôn quan tâm đến đời sống hàng ngày của phạm nhân, đảm bảo thực hiện đầy đủ, công bằng chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Nhà nước; cố gắng dành cho phạm nhân những điều kiện tốt nhất như được đọc báo, nghe đài, xem tivi và cả việc quan tâm lo nước uống mùa hè đến chiếc chăn ấm mùa đông... Hàng tháng, duy trì việc phân loại kết quả cải tạo và thông báo công khai cho phạm nhân biết để giúp họ có hướng phấn đấu, yên tâm lao động cải tạo.
Nghiêm là vậy, nhưng đôi lúc anh còn đảm nhận vai trò như người "bạn" gần gũi, thăm hỏi, nắm tâm tư của phạm nhân để tìm biện pháp tác động tư tưởng, khơi dậy điểm sáng, tính thiện, giúp họ thấy cuộc sống có ý nghĩa, yên tâm cải tạo, không phát sinh tư tưởng chống đối; tích cực lao động cải tạo, sớm hoàn lương trở về với gia đình và cộng đồng. Đại úy Phan Văn Lý đã tỏ rõ là một cán bộ quản giáo có bản lĩnh. Chính từ những việc làm đầy trách nhiệm và giàu lòng nhân ái của mình, Đại úy Phan Văn Lý đã thuyết phục, chặn đứng được những ý nghĩ xấu trong con người họ và giáo dục nhiều phạm nhân trở thành những con người thuần phục như trường hợp phạm nhân Trần Ngọc Ảnh, quê ở huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội) phạm tội tàng trữ trái phép ma túy.
Là đối tượng đã 3 lần vào trại, mắc nghiện ma túy, Ảnh biết mức án lần này y phải đi trại khác để chấp hành hình phạt. Do vậy, trong thời gian chưa chuyển trại, Ảnh luôn vi phạm nội quy và lôi kéo, rủ rê các phạm nhân khác chống đối. Đại úy Phan Văn Lý đã dành nhiều thời gian gần gũi, giáo dục, động viên và phân tích điều hay lẽ thiệt. Sau một thời gian, phạm nhân Ảnh đã nghe ra và luôn tự giác chấp hành nội quy của trại.
17 năm công tác ở Trại tạm giam- Công an tỉnh thì có 10 năm đảm nhận nhiệm vụ quản giáo và trinh sát buồng giam, Đại úy Phan Văn Lý luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều phạm nhân đã cải tạo tốt được ân xá, đặc xá, giảm án nhân dịp ngày lễ, Tết Nguyên đán hàng năm. Chỉ tính trong năm 2008, buồng giam do anh phụ trách đã có 67 phạm nhân được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn. Điển hình là trường hợp phạm nhân Hợp ở Tuyên Quang phạm tội lưu hành tiền giả với án phạt 6 năm 6 tháng. Do gia đình ở xa, hoàn cảnh lại khó khăn nên ít có điều kiện thăm nuôi, tư tưởng phạm nhân Hợp thường không ổn định, phó mặc cho số phận. Nắm được tâm tư đó, anh đã gặp gỡ động viên, khuyến khích phạm nhân Hợp yên tâm cải tạo. Từ chỗ mặc cảm tự ti, phạm nhân Hợp đã nghe ra và luôn cố gắng trong việc chấp hành nội quy, hăng hái trong lao động sản xuất và tích cực tham gia các phong trào của Trại, 2 lần được xét giảm án và đợt 2-9-2008 phạm nhân Hợp đã được tha tù trước thời hạn 33 tháng. Giờ đây khi đã trở về với gia đình và cộng đồng, anh Hợp vẫn thường xuyên điện thoại thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn Đại úy Phan Văn Lý.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cuộc sống, sinh hoạt nhưng do xác định tốt nhiệm vụ, đại úy Phan Văn Lý ngày ngày vẫn miệt mài gắn bó với công tác quản giáo để giúp những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội. Đại úy Phan Văn Lý xứng đáng là một điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc của Công an tỉnh. Ba năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm 2008 được Công an tỉnh ghi danh vào sổ vàng truyền thống và đề nghị Bộ Công an công nhận là chiến sỹ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân.
Vũ Văn Công
(Công an Ninh Bình)