Những ngày thu tháng 10, nắng vàng rực rỡ hơn, niềm vui được lan tỏa khi chị Yến là đại diện của xã Cúc Phương được vinh danh tại Hội nghị biểu dương phụ nữ điển hình tiên tiến của tỉnh giai đoạn 2021-2022.
Góp mặt và phát biểu tại hội nghị, chị Yến như ngược dòng thời gian vè hành trình lao động sản xuất kinh doanh không mệt mỏi của mình hơn 20 năm qua. Từ một người phụ nữ khuyết tật, mang tâm lý có thể là gánh nặng của gia đình, chị trở thành Giám đốc HTX may mặc, tạo công ăn việc làm cho 16 chị em phụ nữ, trong đó 6 thành viên là người khuyết tật, là niềm cảm hứng vươn lên cho hàng nghìn phụ nữ nói riêng và người khuyết tật nói chung.
Chị Yến xuất thân trong một gia đình dân tộc Mường ở xã miền núi, có hoàn cảnh rất khó khăn. Vốn dĩ sinh ra khỏe mạnh, lành lặn nhưng cơn sốt cao khi 6 tháng tuổi khiến chị bại liệt một chân và thành người khuyết tật, không thể làm được những việc nặng nhọc.
Năm 1996, chị lập gia đình nhưng kinh tế cũng không khá giả là bao, cả nhà 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 - 3 sào ruộng và tiền đi làm thuê phụ hồ, đập đá của chồng. Không đành lòng, yên vị với cái nghèo, vợ chồng anh chị quyết tâm vươn lên bắt đầu từ nghề nuôi nhím, nuôi bò.
Nhờ khoản vay từ Hội Phụ nữ xã Cúc Phương cùng tinh thần học hỏi, chịu thương, chịu khó, anh chị dần thoát nghèo, kinh tế ổn định và ngày càng khá hơn.
Ngoài phát triển nông nghiệp, chị Yến còn dành thời gian học thêm nghề may và mở hiệu may tại nhà để tăng thêm thu nhập. Năm 2019, thông qua dự án "Thúc đẩy hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan" và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, của Hội LHPN, chị Yến xây dựng 60m2 làm xưởng và mua 11 máy may công nghiệp, tạo việc làm cho 11 lao động nữ với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Xưởng may của gia đình chị dần đi vào ổn định, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ. Dù vậy, chị vẫn luôn băn khoăn, trăn trở vì trong thôn còn nhiều phụ nữ khó khăn, thu nhập chủ yếu chỉ từ làm nông nghiệp. Còn phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, phụ nữ khuyết tật không có việc làm ổn định.
"Để thuận tiện trong việc giao dịch, mở rộng thị trường và tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật, tôi bàn với chồng, cùng với sự hỗ trợ, tư vấn của các cấp Hội, đăng ký thành lập Hợp tác xã (HTX) may mặc Cúc Phương do tôi làm giám đốc", chị Yến nhớ lại.
Sau 2 năm thành lập, HTX có 16 thành viên (trong đó có 6 phụ nữ khuyết tật), vốn điều lệ 70 triệu đồng. Với tâm niệm phải lấy chữ tín làm trọng, trên cương vị Giám đốc Hợp tác xã, chị điều hành, chỉ đạo công việc, cùng với các thành viên dồn tâm sức lên từng đường kim mũi chỉ, đảm bảo hàng may chất lượng cao và giao hàng đúng thời gian. HTX may mặc Cúc Phương từng bước tạo được niềm tin với khách hàng, doanh thu sau khi trừ chi phí đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Ngoài việc phối hợp với một công ty may của huyện Nho Quan để nhập nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, HTX còn phối hợp với một số công ty khác khi có đơn hàng, nhờ đó công việc tại HTX luôn được duy trì, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên từ 3 - 4 triệu/người/tháng.
"Để có được kết quả trên, bản thân tôi luôn phải nỗ lực, cố gắng hơn người bình thường, phải nghĩ đến việc làm phù hợp với sức khỏe của mình, không tự ti, ỷ lại, cố gắng vượt qua chính mình để truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên của phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn", chị Yến tâm sự.
Ngoài nỗ lực bản thân, theo chị, sự chia sẻ, động viên của gia đình, bạn bè, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là của Hội Phụ nữ cũng là yếu tố quan trọng để chị luôn cố gắng và đạt thành tựu như hiện tại.
Không chỉ là một bóng hồng làm kinh tế giỏi, chị Yến còn là hội viên tích cực tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ xã Cúc Phương, tuyên truyền, vận động chị em thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội và địa phương phát động; nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật.
"Thời gian tới, tôi sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm thành viên, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, gia đình tôi sẽ tiếp tục hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua do Hội và địa phương phát động nhằm góp phần vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp", chị Yến nói về dự định tương lai.
Bài, ảnh: Hồng Minh