Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu vườn hồng rộng hơn 2 ha của gia đình, chị Thanh trong trang phục của một người làm vườn chính hiệu vui vẻ nói: Hiện nay, cả hai vợ chồng tôi đều làm việc cho các Nhà máy xi măng trên địa bàn. Thời gian khá bận rộn, nên những ngày nghỉ cuối tuần như thế này là dịp để tận tay tôi chăm sóc cho vườn hồng và đón khách đến thăm quan.
Nhìn những cây hồng lớn nhanh, phát triển tốt thực sự là niềm vui lớn nhất đối với người trồng. Chị Thanh chia sẻ, hiện vườn hồng của gia đình chị có hàng nghìn gốc hồng với hàng trăm loại hồng khác nhau. Chỉ nói về màu sắc thôi cũng đã có hàng chục loại, việc nhớ hết tên các loài hoa hồng không phải dễ dàng. Những người chơi hoa phải nhờ cách xếp cánh hoa, màu hoa và lá của cây để nhớ tên các giống hoa. Có vài loài quá giống nhau thì phải phân biệt nhờ hương thơm hoặc thời gian tàn của hoa…
Ngay cả cách chăm sóc hồng cũng rất công phu, song chỉ cần người trồng có đủ đam mê thì mỗi khó khăn đều trở thành động lực để cố gắng. Chăm cây phải thực sự sát sao, quan sát tinh tường để sớm phát hiện những "bệnh" của cây để kịp thời điều trị… Đền đáp cho những vất vả ấy sẽ là những cây hồng khỏe mạnh, bung hoa rực rỡ.
Chia sẻ về thú vui tao nhã nhưng cũng khá tốn kém của mình, chị Thanh cho biết, chị chịu ảnh hưởng từ tình yêu thiên nhiên, cây cảnh từ bố. Quê chị ở Hà Tây, bố chị là một người rất thích sinh vật cảnh. Ngày nhỏ, hàng ngày nhìn bố cắt tỉa, chăm sóc, tạo dáng, rồi nhiều khi như thủ thỉ chuyện trò với cây cảnh… chị thấy thế giới thiên nhiên thật sống động. Lớn lên, tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa, tôi lập gia đình với một anh bạn cùng lớp quê ở Tam Điệp. Trước, nhà tôi ở phố Chiến Thắng, diện tích chỉ chừng 200m2, nhưng chị bắt tay vào xây dựng một vườn hồng cho thỏa niềm đam mê.
Cứ có giống hồng nào đẹp là chị lại mua về. Mỗi chuyến đi công tác xa về, bao giờ chị cũng sưu tầm thêm được vài giống hồng mới. Cứ như vậy, số lượng hồng của chị ngày một nhiều, sau này không còn diện tích để hồng nữa thì gia đình chị quyết định mua rồi san lấp, cải tạo hơn 2ha đất đồi khi ấy chỉ có sỏi đá và cây cỏ dại để thành đất ở và trồng hoa.
Bao khó khăn, nhọc nhằn ấy của gia đình chị Thanh giờ được đền đáp bởi ngôi biệt thự nằm giữa vườn hồng xinh xắn, rực rỡ. Bên cạnh những gốc hồng ngoại khoe sắc rực rỡ, chị Thanh còn sở hữu nhiều gốc hồng nội như tố nữ, vân khôi, cổ đào, cổ sapa, quế… cũng đang bật mầm tươi xanh, hứa hẹ sẽ nở rộ vào những ngày sắp tới. Chủ vườn cho biết thêm, công việc làm vườn không xuể việc, hàng ngày, chị phải thuê thêm 6 người làm để chăm sóc cây.
Từ một người chơi hồng, chị Thanh đã trở thành một… chuyên gia giàu kinh nghiệm với loài hoa tuyệt đẹp này. Chị trao đổi, mua, bán…. và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc hồng cho những ai muốn tìm hiểu và đam mê. Chị Thanh bảo, thường thì chị bán buôn, khách hàng ở khắp nơi, ở tận An Giang, Vũng Tàu cũng có. Nhưng đối với những khách mua lẻ, nhất là chị em phụ nữ mua cây để về trồng trang điểm cho ngôi nhà thì chị Thanh cũng rất quý, trân trọng. "Đối với khách buôn, họ đều là những người làm vườn có kinh nghiệm nên tôi ủy quyền giao dịch cho người nhà. Nhưng đối với những khách mua lẻ, thường tôi đích thân giúp họ chọn lựa cây giống, tư vấn cho họ cách chăm sóc cây và đặc biệt là chia sẻ với họ niềm đam mê đặc biệt với hoa hồng.
Giá cây chị Thanh bán cho những đối tượng khách này cũng khá mềm so với mặt bằng chung của thị trường hoa hồng. Ngoài bán trực tiếp, bán online, chị Thanh còn nhận thêm các dịch vụ ăn theo như bán phân, thuốc, giá thể (hỗn hợp đất chuyên đề trồng hoa hồng)...
Giờ thì không chỉ riêng chị Thanh, chồng chị, bố mẹ chồng chị cũng "lây" niềm đam mê hoa ấy từ chị. Nói về nguồn thu nhập từ vườn hồng, chị Thanh cười tươi cho biết, trồng và kinh doanh hồng là nghề tay trái, song lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng cái được lớn nhất đối với tôi là thỏa mãn được niềm đam mê đối với loài hoa vạn người mê này và góp phần lan tỏa niềm đam mê ấy đến với nhiều chị em phụ nữ khác, để cuộc sống này tươi đẹp hơn.
Bài, ảnh: Đào Hằng