Nhưng trong vài năm trở lại đây, việc nuôi trồng thủy sản ngày càng khó khăn, tôm bị chết nhiều. Năm nay tôm thương phẩm đạt chất lượng thấp, nhiều hộ dân đang đứng ngồi không yên trước những món nợ đầu tư vào đầm tôm.
Vụ I năm 2008, huyện Kim Sơn có 6 đơn vị vùng bãi bồi ven biển nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích 2.064 ha, chủ yếu nuôi tôm sú và nuôi xen cua càng xanh. Đến nay đã thu hoạch được 430 tấn tôm sú và 645 tấn cua, năng suất và sản lượng tôm năm nay đạt thấp, tôm thương phẩm xuất bán ít, chủ yếu là bán ở các chợ, tiêu thụ nhỏ lẻ.
Ông Trần Anh Khôi, Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các hộ nuôi trồng thủy sản có giá trị thu hoạch vụ I năm nay thấp hơn nguồn vốn đầu tư ban đầu. Đặc biệt là các hộ nuôi thủy sản ở vùng ngoài đê Bình Minh II, khi khảo sát 14 hộ có tới 10 hộ bị thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ là do tỷ lệ tôm sống sót ít, tôm đủ tiêu chuẩn xuất bán ra các tỉnh ngoài thấp hơn và giá bán cũng rẻ hơn. Năm 2007, tỷ lệ tôm loại to chiếm đa số, giá bán 1 kg tôm từ 15 - 20 con là 200 - 250 nghìn đồng; 35 - 45 con là 150 - 170 nghìn đồng. Nhưng vụ này không có loại tôm to, loại 30 - 35 con/kg cũng rất ít, chủ yếu là loại 40 - 70 con/kg với giá bán thấp, chỉ ở mức 70.000 đồng/kg. Do vậy, sản lượng tôm sú và giá trị thu hoạch trong toàn huyện giảm đáng kể. Người dân thu hoạch tôm rải rác, không tập trung theo đợt, vì vậy không đủ để các chủ hàng thu gom. Do chưa có nhà máy đông lạnh ở gần nên người dân bắt buộc phải mang tôm ra chợ bán với giá rẻ. Cũng như bao người dân khác ở vùng bãi bồi, ông Nguyễn Văn Phơn ở xã Kim Hải đang đau đầu trước đầm tôm. Hai, ba năm nay ông thua lỗ nhiều vì con tôm, vụ này ông đầu tư nuôi thả 1 ha tôm sú nhưng gần như mất trắng, riêng tiền con giống và thức ăn nuôi tôm…. cũng mất gần 30 triệu đồng. Theo ông, tôm bị chết và chậm lớn là do con giống không đảm bảo chất lượng. Những người nông dân như ông không làm tiếp thì cũng chẳng biết phải làm gì để gỡ gạc cho những khoản nợ. Ông nói: "Trên 95% người dân ở đây sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, bỏ nuôi tôm, bà con cũng chưa biết sống bằng nghề gì, vì vậy phải tiếp tục nuôi thôi!".
Cũng theo ông Trần Anh Khôi, nguyên nhân dẫn đến năng suất và sản lượng tôm thấp là do giữa vụ thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, mưa lớn xuất hiện đột ngột làm 792 hộ (466,1 ha) có tôm bị chết, chiếm 24,9% số hộ nuôi trồng thủy sản. Để cứu lấy phần nào số vốn bỏ ra, người dân đã phải thu tỉa tôm sớm, trọng lượng tôm nhỏ và chất lượng tôm cũng kém. Môi trường nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm nặng, người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường nuôi chung. Có những hộ tôm bị bệnh chết không báo cho cơ quan chức năng và cán bộ kỹ thuật đến xử lý, khoanh vùng tránh lây lan mà tự xử lý bằng cách tháo nước ô nhiễm có mầm bệnh ra kênh và hộ khác lại lấy nước vào. Từ đó một hộ có tôm bị nhiễm bệnh đã làm lây lan sang các hộ nuôi trong vùng. Cách thức nuôi trồng thủy sản ở nơi đây còn mang tích chất quảng canh, người dân đầu tư thấp, thức ăn chủ yếu tự chế biến vì rẻ, nhưng những thức ăn dư thừa này lắng xuống ao đầm lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nuôi. Nuôi tôm theo hình thức thâm canh đòi hỏi có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhưng hiện nay trình độ kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên rất khó thành công. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, nhiều nơi chưa có kênh cấp, thoát nước riêng biệt, chất lượng nước chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Chất lượng nguồn tôm giống hiện nay cũng là vấn đề đáng báo động. Việc quản lý nguồn con giống nhập vào địa bàn chưa triệt để, chủ dịch vụ còn lẩn tránh các cơ quan chuyên môn. Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở không chú trọng đến chất lượng con giống, nhập và sản xuất tràn lan.
Theo Trạm kiểm dịch thủy sản, vụ I năm nay chỉ có 63,7 triệu con tôm giống qua trạm kiểm dịch trên tổng số 125 triệu con tôm giống thả vào đầm nuôi. Có khoảng 40 - 50% số hộ nuôi chưa theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, mua nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng con giống kém.
Đến thời điểm này, huyện Kim Sơn đã cơ bản thu hoạch xong tôm vụ I, đang tiến hành thả cua và các đối tượng khác ở vụ II. Huyện đang tuyên truyền và khuyến khích các hộ dân ở các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải chuẩn bị mọi điều kiện để đưa thêm giống cá bống bớp vào nuôi ở một số diện tích.
Hương Giang