Anh Dương tâm sự, khi mới học xong THPT, anh mơ ước được học và làm những nghề từ bé đã yêu thích. Nhưng cuộc sống gia đình khó khăn đã khiến anh xa quê, đi nhiều nơi, làm nhiều nghề khác nhau. Về địa phương, anh luôn nung nấu ý định hình thành trang trại và khi được bố mẹ tạo điều kiện cho xây nhà, tạo lập cuộc sống riêng, anh quyết định xin phép bố mẹ cho mình được thực hiện ước mơ có một trang trại cho riêng mình. Năm 2004, gia đình anh đã nhận diện tích ruộng trũng sau đổi thửa dồn điền của xã và đấu thầu những diện tích thùng đào, thùng đấu để xây dựng trang trại với diện tích khoảng 10.000 m2.
Ban đầu, vốn ít, gia đình anh tập trung nuôi lợn, thả cá và cấy 1 vụ lúa nhưng thu nhập không cao. Không nản chí, anh Dương quyết tâm đi học hỏi thêm các mô hình trang trại ở trong Nam, ngoài Bắc để tìm ra mô hình phù hợp từ việc nuôi ba ba. Từ năm 2006, trang trại được đầu tư sửa sang, nâng cấp, xây dựng thành các ô chuồng phù hợp với các giống vật nuôi. Anh thí điểm thả 3.000 con ba ba thương phẩm, 50 con ba ba giống, tiếp tục duy trì đàn cá gồm nhiều loại như: Chép, trắm, trôi, mè, chuối và nuôi thêm 7 con nhím bố mẹ. Để có nguồn đầu tư cho việc nuôi ba ba, anh Dương đã "lấy ngắn nuôi dài" bằng cách tăng số lượng các loại cá để có thu hoạch hàng năm.
Như năm 2007, trang trại của anh bán được 1 tấn cá chuối xuất khẩu, năm 2008 bán được 1,1 tấn cá chuối với giá trung bình từ 45 - 50 nghìn đồng/kg, thu 35 triệu tiền ba ba giống, các loại cá chép, trôi, mè, trắm mỗi năm thu được từ 25 - 30 triệu đồng. Từ 7 con nhím bố mẹ, anh đã bán được hơn 20 con nhím giống, thu về 173 triệu đồng…Bên cạnh đó, anh còn mạnh dạn mua ô tô để chở nguồn thức ăn về cho ba ba, nhím, cá. Cứ 2-3 ngày anh về tận Kim Sơn mua từ 6 tạ - 1 tấn cá biển về làm thức ăn cho vật nuôi của trang trại và cung cấp cho các trang trại, gia đình xung quanh. Tò mò về sự "cầu kỳ' trong việc sử dụng thức ăn nuôi thả, anh Dương tâm sự: Nếu cho ăn thức ăn công nghiệp, sản phẩm thịt ba ba, cá, nhím sẽ không chắc và thơm. Nên để giữ uy tín cho sản phẩm của mình, anh quyết tâm duy trì việc cho ăn bằng cá biển, tuy có tốn kém và mất công một chút nhưng bù lại, luôn giữ được chữ "tín" với khách hàng…
Nói về ba ba, anh Dương cho biết: Để tìm đầu ra cho sản phẩm, ngay từ khi mới hình thành trang trại, anh đã đến các nhà hàng ở thành phố Ninh Bình, Hà Nội, ra Móng Cái, tìm cả bạn hàng Trung Quốc để chào hàng. Lứa ba ba đầu tiên của trang trại đã đến với các nhà hàng, khách sạn nhưng trang trại mới chỉ cung cấp được phần nào vì ba ba phải sau 3 năm mới cho thu hoạch. Anh Dương nhẩm tính nhanh: Hiện có 10 nhà hàng ở thành phố Ninh Bình đặt, trung bình 1 nhà hàng tiêu thụ hết 1 tạ ba ba/tháng. 10 nhà hàng là 1 tấn thì chỉ riêng trang trại của anh không thể cung cấp đủ, chưa nói đến việc xuất khẩu hay ký kết hợp đồng với các nhà hàng, đối tác ở nơi khác. Hiện nay, 3.000 con ba ba nuôi từ năm 2006 còn khoảng 300-400 con sắp đến thời kỳ thu hoạch. Từ đầu năm 2008, trang trại đầu tư thả hơn 13.000 con ba ba thương phẩm. Đầu năm nay tiếp tục thả 120 con cá trắm ốc, 4.000 con cá chuối xuất khẩu là những giống cá có giá trị kinh tế cao. Trung bình chỉ tính riêng tiền thức ăn đã tốn 600.000 đồng/ngày. Đến nay, chi phí đầu tư cho trang trại, thức ăn nuôi ba ba đã lên đến hơn 800 triệu đồng.
Trong 2 năm gia đình anh Dương còn giúp cho hơn chục hộ gia đình trong xóm cùng phát triển mô hình nuôi ba ba theo phương thức đầu tư giống, thức ăn, cung cấp kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu với mục đích giúp cho nhiều gia đình phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng quy mô và số lượng hộ nuôi ba ba. Ước mơ lớn nhất của người nông dân trẻ Nguyễn Văn Dương là sẽ "biến" vùng đất nghèo khó ở xóm Cầu Vàng, xã Gia Hòa thành khu vực nuôi ba ba để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh mà còn vươn xa, trở thành hàng hóa xuất khẩu đạt giá trị kinh tế cao.
Bài, ảnh: Bùi Diệu