Một số người đã biết bảo vệ mình khi sử dụng thuốc BVTV như mặc áo nilon, đeo khẩu trang, đội mũ, không phun thuốc vào buổi trưa… Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn làm theo kinh nghiệm, từ người này truyền qua người khác mà ít làm theo hướng dẫn một cách khoa học của cán bộ BVTV.
Những thói quen nguy hiểm
Đi dọc các cánh đồng bây giờ rất hiếm khi ta bắt gặp cảnh các bác nông dân đi phun thuốc BVTV mà không mang bất cứ một dụng cụ bảo hộ nào. Nhưng các dụng cụ bảo hộ thì vẫn còn rất đơn giản như chỉ là 1 khẩu trang chống nắng còn lại găng tay, áo bảo hộ ít khi được sử dụng, hơn nữa việc đi phun thuốc giữa buổi trưa nắng gắt hay lúc gió to vẫn còn phổ biến. Cũng vì thế mà họ thường gặp phải một số triệu chứng như: Đau đầu, mệt mỏi, dị ứng ở chân, tay, mặt hay thậm chí là buồn nôn, kém ăn, kém ngủ… Tuy nhiên, những triệu chứng này nhanh chóng qua đi và người dân lại quên mất những lo ngại về độ độc hại của thuốc, không biết rằng những chất độc đó vẫn còn đang tồn lưu trong cơ thể. Anh Nguyễn Hoàng Đ, một thanh niên ở xã Trường Yên, Hoa Lư cho biết: Trước đây, tôi chuyên đi phun thuốc sâu thuê cho các hộ quanh thôn, công việc tuy nguy hiểm, nặng nhọc nhưng công họ trả cao nên ham. Là thanh niên trai tráng nên tôi cũng không để ý nhiều đến việc mặc đồ bảo hộ và mặc vào thấy vướng víu, khó làm. Sau một thời gian đi làm, thấy người có những biểu hiện mệt mỏi, lúc đó tôi mới thấy sợ.
Những vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng mà nhiều người trực tiếp phun thuốc BVTV vẫn còn chủ quan, thì những chuyện như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thế nào? Theo ước tính của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hàng năm tỉnh ta sử dụng khoảng 100 tấn thuốc BVTV các loại. Riêng năm 2008, nông dân trong tỉnh đã sử dụng trên 117 tấn thuốc, tăng 46 tấn so với năm 2007. Hiện tượng người dân vứt vỏ chai, bao gói thuốc ngoài đồng ruộng, nơi gần nguồn nước sinh hoạt là rất phổ biến. Việc lúa sắp thu hoạch vẫn phun thuốc, có những gia đình phun đến 3-4 lượt với đủ các loại thuốc vẫn còn xảy ra. Để tăng hiệu lực trừ sâu bệnh, họ thường pha liều lượng gấp 1,5, thậm chí 2-3 lần so với hướng dẫn trên nhãn mác. Trường hợp rau vừa phun thuốc được 3-4 ngày đã hái đi bán không phải là hiếm. Vì vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm từ việc phun thuốc BVTV đang đặt ra cấp thiết.
"Chuyên gia" nông dược bất đắc dĩ
Hiện nay có một thực tế là trình độ dân trí của người nông dân có hạn, và việc yêu cầu họ phải hiểu biết về đặc tính sinh học của cây trồng, các chu kỳ sinh trưởng, phát sinh gây hại của sâu bệnh, các biểu hiện của cây trồng để có thể xác định đúng loại sâu bệnh để bố trí thời điểm phun thuốc hiệu quả hay loại thuốc thích hợp là điều còn bất cập.
Mạng lưới các cộng tác viên chuyên trách, các Trạm BVTV có thể giúp đỡ họ. Song hiện nay, toàn tỉnh có 224 cộng tác viên chuyên trách dự báo, bình quân 1 người phụ trách 162 ha. Như vậy, họ khó có thể bao quát hết được tình hình sâu bệnh trên từng thửa ruộng của từng gia đình. Đó là chưa kể trình độ có hạn bởi trong 224 cán bộ đó thì chỉ có 1 người có trình độ đại học, 89 có trình độ trung cấp còn lại là 134 làm theo kinh nghiệm, không có bằng cấp. Thế là nông dân bất đắc dĩ phải trở thành "bác sỹ" của cây trồng, khi thấy ruộng nhà mình có sâu bệnh là tự đi mua thuốc và tự phun trừ. Phần đông bà con mua thuốc theo kinh nghiệm và sự chỉ vẽ của bà con láng giềng, một số khác thì chọn mua thuốc theo quảng cáo và những lời giới thiệu của đại lý thuốc. Nhiều người còn chẳng để ý đến bao bì, thành phần, hướng dẫn sử dụng thế nào. Một số đại lý thuốc vì chạy theo lợi nhuận mà bán kèm thêm những loại thuốc không cần thiết phải sử dụng. Ví dụ như người dân đi mua thuốc trừ sâu cuốn lá thì lập tức được đại lý khuyến cáo tiện thể phun thêm các loại thuốc trừ rầy nâu, đạo ôn, sâu đục thân… trong khi ở thời điểm đó chưa cần tới.
Theo đồng chí Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh: ở nước ngoài, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên một hộ gia đình là rất lớn, nông nghiệp phát triển nên họ có thể thuê riêng một chuyên gia nông nghiệp về làm cho mình nên mọi vấn đề đều được giải quyết rất đơn giản. ở nước ta thì khác, đất đai manh mún, mỗi gia đình chỉ có dăm ba sào ruộng thì việc quản lý dịch bệnh là rất khó. Tuy nhiên, cũng đã có một số HTX làm tốt dịch vụ phòng trừ sâu bệnh như HTX Khánh An, HTX Khánh Nhạc (Yên Khánh), HTX Thượng Kiệm (Kim Sơn)... Các HTX vừa chịu trách nhiệm phát hiện dịch bệnh vừa đứng ra tổ chức phun trừ bảo vệ đồng ruộng giúp người nông dân, đảm bảo được hiệu quả kinh tế, lại rất an toàn. Nhưng rất tiếc là những HTX làm tốt dịch vụ này đếm trên đầu ngón tay.
Nâng cao nhận thức cho người dân
Như vậy, giải pháp cấp thiết hiện nay là nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn lao động trong quá trình sử dụng thuốc. Tuyên truyền, tập huấn rộng rãi việc sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, khuyến cáo họ hạn chế, không sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất độc hại trong danh mục cấm. Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ của các HTX. Khuyến khích, hướng dẫn bà con tập trung thu gom chai lọ, bao bì đựng thuốc lại một chỗ và tiến hành tiêu hủy. Đồng thời phát triển các hình thức phòng trừ sâu bệnh tổng hợp.
Nguyễn Lựu