Ông Lăng sinh năm 1969 tại làng nghề mộc truyền thống làng Hòa Lạc, xã Như Hòa (huyện Kim Sơn) và có bố là người thợ mộc tay nghề cao. Từ "nghề gia truyền" của gia đình, đặc biệt với sự định hướng của người bố đã khơi gợi và nuôi dưỡng niềm đam mê cũng như tình yêu với nghề mộc để đến nay với hơn 30 năm miệt mài, say nghề, ông Trần Đức Lăng đã tạo dựng được kho "di sản" của riêng mình với rất nhiều công trình tu bổ, xây dựng mới độc đáo, mang hồn cốt Việt.
Ông Trần Đức Lăng cho biết: Ngay từ nhỏ, tiếng chàng, tiếng đục đã in sâu vào tiềm thức của tôi. Được tiếp xúc làm gỗ mỹ nghệ từ khi còn nhỏ, cần mẫn cóp nhặt kinh nghiệm từ cha ông và kinh nghiệm trong những năm làm thợ tại chính xưởng mộc của gia đình; đặc biệt tôi rất hứng thú với các nét hoa văn, chạm trổ mềm mại, mang đậm nét văn hóa người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ của các công trình gỗ đình, chùa tại địa phương, tôi luôn khao khát và mong muốn được góp phần công sức của mình vào việc bảo tồn và phát triển kiến trúc truyền thống đậm nét văn hóa Việt.
Hiện ông Lăng là người nắm giữ nhiều bí quyết, kỹ năng chạm khắc, những hoa văn tinh xảo trên gỗ, chạm trổ các nét hoa văn hoặc phục chế các công trình văn hóa di tích lịch sử. Ông cũng là thợ giỏi tiêu biểu, có kỹ năng nghề điêu luyện, có khả năng tự sáng tác, hoàn thiện được nhiều tác phẩm có giá trị cao. Những kỹ năng, kỹ xảo nghề gỗ mỹ nghệ mà ông có được theo ông gọi đó là "mực thước gia truyền", bởi với ông, mỗi công trình mà ông tạo nên không qua bản vẽ chuyên nghiệp, không dùng thước đo, mà kết quả ấy là do ông tích góp từ kinh nghiệm, bí quyết gia truyền.
Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Lăng cũng là người có công trong việc giữ gìn, phát triển tinh hoa nghệ thuật điêu khắc và ông cũng đã được trực tiếp tham gia vào công cuộc tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát triển văn hóa kiến trúc nhà gỗ Việt. Các công trình tâm linh hay các công trình nhà gỗ truyền thống được ông thực hiện đều có sự đầu tư công phu về trí tuệ, nghiên cứu sâu rộng về văn hóa vùng, miền để mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn tái hiện lại nét văn hóa, tính lịch sử, phản ánh trí tuệ con người của mỗi miền quê.
Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Lăng đã trực tiếp chỉ đạo và thi công tu bổ, tôn tạo nhiều công trình, di tích lịch sử văn hóa như: Công trình Nhà thờ đá Phát Diệm (công trình được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia). Năm 2007, tác phẩm chạm khắc, dựng dãy hành lang La Hán Chùa Bái Đính (bên trái). Năm 2010, tác phẩm chạm khắc, cất dựng cổng Cố đô Hoa Lư và chùa tại Đảo Trường Sa; tác phẩm chạm khắc, cất dựng nhà Phủ Mẫu, chùa Phúc Chỉnh. Năm 2011, tác phẩm chạm khắc, cất dựng Chùa Hang (Thái Nguyên); tác phẩm tu bổ Đền Nen, công trình Đền Lê Khôi - di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - Thạch Hà (Hà Tĩnh). Năm 2012, tác phẩm chạm khắc, cất dựng cổng Tràng An...
Ngoài ra, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Lăng còn tham gia tu bổ, tôn tạo và dựng nhà gỗ truyền thống ở các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên... Những công trình ông phục dựng có ý nghĩa to lớn trong việc giữ gìn, phát huy vẻ đẹp kiến trúc cổ của người Việt. Đó còn là vẻ đẹp của trí tuệ, của văn hóa nghìn năm văn hiến. Với niềm đam mê và tay nghề sẵn có của mình, hiện nay nghệ nhân ưu tú Trần Đức Lăng tiếp tục góp sức làm đẹp cho nhiều công trình tâm linh và nhà gỗ truyền thống khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Điều rất đáng trân trọng ở người Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Lăng là dù bận rộn với nhiều công trình to lớn trong cả nước, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết để đào tạo, dạy nghề và truyền nghề thành công cho các thế hệ kế tiếp, tạo công ăn, việc làm cho con em địa phương và các vùng lân cận. Hàng năm, nghệ nhân Trần Đức Lăng đảm bảo công việc thường xuyên cho trên 30 lao động tham gia nghề mộc, với mức lương ổn định.
Ghi nhận những đóng góp, sự tâm huyết với nghề, Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Lăng đã nhận nhiều giải thưởng danh giá và danh hiệu, Bằng khen của các cấp, các ngành: Năm 2010, được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu "Chiến sĩ Trường Sa" do có công trong công tác xây dựng chùa trên đảo; năm 2014, được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ"; năm 2016, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; năm 2017, được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vinh danh "Thương hiệu xuất sắc vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam"...
Hồng Vân