Làm giàu trên quê hương "Vua lửa".
Ông Phan Văn Tam rời mảnh đất Yên Mô, Ninh Bình vào Gia Lai lập nghiệp từ năm 1976. Ông được xem là một trong những thành viên đầu tiên vào đây lập nghiệp, phát triển kinh tế. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, ông cùng gia đình khai hoang mở đất, làm vườn với bao lo toan vất vả, khó nhọc. Từ làm rau, làm lúa, chăn nuôi, sau chuyển sang buôn bán vật tư nông nghiệp kết hợp với trồng và kinh doanh cây cảnh. Đến nay, gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, con cái thành đạt, cuộc sống ngày được cải thiện. Hàng năm, vùng đất này cho gia đình ông thu nhập bình quân 300 triệu đồng. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó lao động, bên cạnh cây lúa người dân nơi đây đã biết khai thác tiềm năng của địa phương, kết hợp với phát triển cây mía và hiện nay, Với anh Nguyễn văn Tùng cùng nhiều hộ dân nơi đây, cây mía đang là nguồn thu nhập rất ổn định. Anh Tùng cho biết: " Gia đình vào đây từ năm 1986 trồng được 24 ha mía. Khi từ Ninh Bình vào thì khu này là một vùng rừng núi hoang vu, nhờ có thủy lợi, nhà máy đường được xây dựng tạo điều kiện để người dân phát triển trồng mía".
Gia đình ông Phạm Ngọc Hựu ở tổ dân phố 13 Thị trấn Phú Thiện thì lại làm giàu bằng cách trồng gỗ quý. Cách đây hơn 10 năm, ông Hựu đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng bằng việc đầu tư mua giống và trồng cây Sưa đỏ (Hùynh đàn đỏ) về trồng trong trang trại và vườn nhà. Đến nay, 400 cây Sưa của gia đình ông phát triển rất tốt hứa hẹn nguồn thu nhập hàng tỷ đồng trong tương lai không xa. Ông Hựu cho biết, sau khi đọc báo, nghe đài biết được thông tin cây sưa có giá trị kinh tế rất cao, ông đã lặn lội ra tận Quảng Bình mua 400 cây giống sưa đỏ về trồng trong trang trại và vườn nhà. Được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận, tỷ lệ cây sống cao và phát triển rất nhanh. Đến nay nhiều cây đã có đường kính từ 15 đến 20 cm và có lõi đặc. Cuối năm rồi, một vài thương gia từ TP Hồ Chí Minh dẫn khách đến khoan lõi và hỏi mua với mức giá bình quân 20 triệu đồng 1 cây nhưng ông chưa bán và đòi mức giá cao hơn 40 triệu đồng 1 cây. Như vậy, 400 cây sưa này với giá thị trường như hiện nay hứa hẹn thu về tiền tỷ cho gia đình ông. Cùng với mô hình chăn nuôi Đà điểu dưới tán cây sưa và trang trại tổng hợp, ông Phạm Ngọc Hựu được xem là một nông dân điển hình, tiên phong trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Phú Thiện - Gia Lai.
Khó có thể đong được bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của người dân Ninh Bình đổ vào vùng đất mới này, nhưng sự thành công của họ thì đã đo đến được. Vùng kinh tế mới của người dân Ninh Bình nay xuất hiện ngày càng nhiều những gương nông dân điển hình, biết vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Từ một vùng cư dân chỉ có dăm, bảy trăm hộ, huyện Phú Thiện hôm nay dân số đã gần 80.000 dân, trong đó có khoảng hơn 20.000 dân là người Ninh Bình. Với truyền thống làm nông nghiệp, người dân nơi đây đã tạo cho mình những bước đi vững chắc trên vùng đất trù mật được xem là quê hương thứ hai của những người con Cố đô Hoa Lư.
Làm giàu trên vùng biên giới.
Rời Phú Thiện, chúng tôi đến với vùng biên giới huyện Chư Prông - tỉnh Gia Lai. Vùng đất của những bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê, với những người con Ninh Bình giản dị, cần cù lao động, sáng tạo, biết áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Năm 2006, Gia đình chị Trần Thị Quế, từ Kim Sơn, Ninh Bình vào Gia Lai định cư. Xác định làm giàu trên vùng đất mới, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, cải tạo vườn tạp, trồng cà phê, làm công nhân cao su, cuộc sống ngày càng ổn định. Chị Quế hồ hởi: "Khi mới vào thì cũng lạ nước lạ cái, không biết cách làm ăn, nhưng được sự giúp đỡ của bà con ở đây, cũng như chính quyền địa phương. Gia đình cũng học hỏi bà con bản địa cách trồng cà phê, trồng tiêu, năm nay gia đình được khoảng 18 tấn cà khô. Chúng tôi xem đây là quê hương thứ hai của mình".
Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông tiền thân là Nông trường Cao su Chư Prông của Ban kinh tế mới B của tỉnh Hà Nam Ninh cũ được thành lập từ năm 1976. Để có được thành quả như ngày hôm nay những thế hệ cán bộ, công nhân ở đây phải mất nhiều năm với bao trăn trở, thao thức,vật lộn chống chọi với cái đói, cái nghèo, với sốt rét rừng triền miên trong thời gian dài khai hoang lập địa. Nhiều người với ước mơ giản dị ban đầu là làm sao có đủ ăn, đủ mặc, con cái được học hành là tốt lắm rồi. ít ai nghĩ rằng mình sẽ làm giàu trên mảnh đất hoang vu đầy nắng và gió này. Vậy mà chỉ trong khoảng thời gian không lâu những người công nhân cao su khai hoang mở đất năm nào đã bỗng chốc biến đất đỏ Bazan thành vàng trắng, nhiều hộ đã làm giàu, trở thành tỷ phú trên vùng đất này.
Hiện nay, Công ty Cao su Chư Prông đang chăm sóc và khai thác gần 9.000 ha cao su, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động tại chỗ, thu nhập bình quân đạt hơn 7 triệu đồng/người/ tháng, trong đó số công nhân là người Ninh Bình có khoảng 1.200 người. Người có công lớn trong việc này cũng là người con đất cố đô, ông Phan Sĩ Bình- Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Với đức tính cần cù chịu khó của người Ninh Bình nói riêng và người đồng bằng Bắc Bộ nói chung, được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân của tỉnh Gia Lai - Kon Tum trước đây và tỉnh Gia Lai hiện nay, đặc biệt là các già làng, thôn trưởng, người đồng bào dân tộc Jrai tại chỗ, đến nay Công ty cao su Chư Prông đã xây dựng nên một vùng kinh tế trù phú. Chúng tôi là những người con Ninh Bình xa quê hương, trước hết, chúng tôi gửi lời chào, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình và tất cả anh em bà con ở quê đã giúp đỡ, động viên cổ vũ chúng tôi trong những lúc xa quê hương, những lúc đầu khó khăn gian khổ nhất".
Hội đồng hương Ninh Bình tại Gia Lai.
Được thành lập từ năm 1995, hội đồng hương Ninh Bình tại Gia lai được xem là một trong những tổ chức hội tự nguyện có tính kỷ luật cao và bền vững. Cùng với việc duy trì hoạt động thường niên, tăng cường phát triển hội viên các chi hội cơ sở, tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa như xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ thăm hỏi giúp đỡ những gia đình khó khăn hoạn nạn, mừng thọ các cụ cao niên… Đã từ lâu hội được xem là nơi hội tụ của tinh thần đoàn kết, của những tấm lòng, của sự sẻ chia với bao tình thương mến thương của những người con Ninh Bình xa xứ.
Cùng với nghĩa tình đồng hương, thời gian qua nhiều gia đình hội viên tự vươn lên trong cuộc sống, trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và tri thức nhiều người đã trở thành tấm gương cho mọi người học tập, noi theo. Mỗi năm có hàng trăm gia đình văn hóa các cấp, nhiều hội viên đã trưởng thành từ công tác là một trong những cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị, là giám đốc các doanh nghiệp lớn, giám đốc một số sở ngành có uy tín trên địa bàn. Ông Mai Kim Đồng, Trưởng ban liên lạc hội đồng hương Ninh Bình tại Gia lai tâm sự: Hội thường xuyên duy trì sinh hoạt, tổ chức các hoạt động, buồn vui có nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn và luôn hướng về quê hương. Xác định đây là quê hương thứ hai, động viên nhau đoàn kết cùng nhau xây dựng ngày thêm ấm no hạnh phúc…
Nhà báo Đinh Gia Cư, Phó trưởng phòng thời sự Đài PT-TH Gia Lai là người cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, rời quê từ khi mới học xong cấp 3, sau đó đi học đại học Báo chí, làm phóng viên ở một Đài huyện xa nhất tỉnh, sau đó bằng sự nổi trội về chuyên môn nghiệp vụ, anh đã được điều về làm phóng viên ở phòng thời sự, có nhiều tác phẩm đạt giải báo chí và được bổ nhiệm là Phó trưởng phòng thời sự, anh chia sẻ: "Trong cuộc sống dù có tin hay không tin vào số phận, nhưng mỗi con người, mỗi gia đình đều có một hoàn cảnh, sự mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Chúng tôi xa quê cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Mặc dù rất nặng lòng với quê hương, với ông, bà tổ tiên, với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Không chỉ ở nước ngoài, có lẽ trên khắp mọi miền Tổ quốc những người con xa quê như tôi đều có sự đồng cảm, sẻ chia và đều có chung một ý nguyện "Hướng về nguồn cội " nhất là mỗi dịp tết đến xuân về.
Một mùa xuân nữa lại về, mùa xuân thứ 38 của những người con Ninh Bình những ngày đầu rời Cố đô Hoa Lư đi lập nghiệp cùng với bao thế hệ nối tiếp nhau. Không chỉ những người tiên phong trong công cuộc xây dựng vùng kinh tế mới, ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung giờ đây không ai có thể thống kê đầy đủ được những gương mặt những điển hình trong lao động sản xuất, những người đã trưởng thành có vị trí cao trong hệ thống chính trị ở địa phương. Chỉ biết rằng với đức tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, đoàn kết phấn đấu vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Họ, những người con Ninh Bình đã và đang đóng góp, xây dựng cho quê hương thứ hai ngày thêm phát triển phồn thịnh. Đất lành chim đậu, người là bạn tình thủy chung của đất, đất không phụ lòng người. Đây cũng chính là cách thể hiện tấm lòng, bản lĩnh và tình yêu quê hương của những người con Ninh Bình trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Bài và ảnh: Mai Chí Vũ
Đài PT-TH TP.Pleiku- Gia Lai