Căn nhà của gia đình trung úy Trần Mạnh Tú nho nhỏ, xinh xắn náu mình trong một xóm nhỏ mướt xanh cây trái ở đội 12, xã Kim Định, huyện Kim Sơn. Trái với tưởng tượng của tôi, ông Trần Văn Toàn, bố đẻ của trung úy Trần Mạnh Tú còn khá trẻ. Gia đình ông có hai người con trai, Trần Mạnh Tú là con cả trong nhà. Ngày còn đi học tại Trường THPT Kim Sơn B, trung úy Trần Mạnh Tú học thuộc diện vững, nên khi tốt nghiệp trung học phổ thông Tú chỉ đăng ký thi vào Trường Sỹ quan pháo binh Sơn Tây và đỗ ngay năm thi đầu tiên.
Hết bốn năm học tập, Trần Mạnh Tú được điều động vào Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải Quân (Nha Trang), sau đó anh được đơn vị điều ra nhận nhiệm vụ tại đảo Trường Sa lớn với vai trò phân đội trưởng phân đội pháo 85mm. Lần nhận nhiệm vụ đầu tiên ngoài hải đảo với tân binh Trần Mạnh Tú đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp, nhất là được đón người thân ra thăm.
Khi nói về quãng thời gian một tuần ra thăm con tại đảo Trường Sa lớn, ông Trần Văn Toàn không giấu nổi niềm vui. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, ông được chứng kiến công việc của con trai, cảm nhận sâu sắc tình cảm của những đồng chí, đồng đội của con dành cho mình khiến ông vô cùng cảm động. Những người lính tại đảo tuân thủ nghiệm ngặt kỷ luật nhưng cũng rất tình cảm, chu đáo, đặc biệt là ai cũng rất lạc quan, tự tin, vui vẻ. Thấy con mình được rèn luyện trong một môi trường như vậy ông cảm thấy yên tâm và phấn khởi.
Cũng chính vì mê "chất nhà binh" rất tuyệt vời như vậy nên khi Trần Mạnh Tú kết thúc đợt công tác tại đảo Trường Sa lớn vào cuối năm 2013, Tú ngỏ ý với bố về nguyện vọng của mình muốn tình nguyện ra đảo lần thứ hai, ông Trần Văn Toàn đã là người đầu tiên nhiệt thành ủng hộ con trai. Nhiệm vụ hiện tại của trung úy Trần Mạnh Tú là trợ lý tại đảo Sơn Ca. Vậy là dù mới 29 tuổi, Tú đã có 9 năm tuổi quân và 4 năm gắn bó với biển, đảo.
Khi được hỏi tại sao ông lại đồng ý cho con ra đảo lần hai, ông Toàn lặng lẽ chỉ lên tấm bằng Tổ quốc ghi công đề tên Liệt sỹ Trần Văn Kiêm nói: "bố tôi (tức ông nội cháu Tú) là một liệt sỹ hy sinh thời chống Mỹ. Trong khó khăn gian khổ còn hy sinh cả mạng sống vì đất nước thì nay trong thời bình không có lý gì tôi lại quản ngại việc cháu Tú ra đảo. Là một quân nhân khi nhận nhiệm vụ ở những nơi gian khổ phải coi là một vinh dự. Cháu Tú chọn con đường binh nghiệp là muốn kế tục truyền thống quân nhân mà ông nội cháu đã chọn…"
Với những người lính như trung úy Trần Mạnh Tú khi mà họ nhận nhiệm vụ không những chỉ bằng sự tự nguyện, hay ý thức phục vụ của một quân nhân mà còn vì danh dự và truyền thống của gia đình. Những người lính ấy tôi tin, không gian khổ nào mà họ từ nan, không nhiệm vụ nào mà khiến họ chùn bước. Nhờ vậy mà chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc luôn được giữ vững.
Mai Phương