Điều trên dĩ nhiên là đúng, tuy nhiên, từ trong sâu xa, tôi vẫn nghĩ rằng, dù làm nghề gì vẫn cần có sự chuyên sâu. Chẳng phải các cụ ta vẫn thường nói "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" đó sao. Yếu tố "nghệ tinh" mà người xưa tâm đắc chính là một đòi hỏi về sự chuyên tâm trong một nghề. Làm những nghề dùng sức vóc đã thế, nghề liên quan đến "chữ nghĩa" văn tự càng phải thế.
Và nghề báo cố nhiên là một nghề thuộc về chữ nghĩa. Đòi hỏi về "nghệ tinh"- mà người xưa vẫn thường nói không chỉ là sự tinh thông trong nghề mà thực ra nó còn bao hàm việc người làm nghề không nguôi trăn trở về nó. Trăn trở về những điều mình sẽ viết. Trăn trở về những gì mình sẽ làm. Và có đôi khi trăn trở về chính nghề mình đã chọn, niềm tin về con đường mình sẽ đi.
Đường vào nghề báo có muôn vạn nẻo. Có người ngay từ đầu đã chọn nghề báo. Họ học trường báo chí, ra trường làm báo. Có người vì mê nghề báo mà từ một nghề "tay ngang" chuyển sang làm báo. Nhưng dù đến với nghề báo theo cách nào thì điều đó không hẳn quan trọng, bởi chỉ có một tiêu chí để ghi nhận danh xưng một nhà báo thực thụ đó là tác phẩm. Một nhà báo mà không sáng tạo nên tác phẩm báo chí thì không bao giờ là một nhà báo đúng nghĩa.
Không phải ngẫu nhiên mà người viết phải nhọc công nói nhiều về danh xưng nhà báo. Bởi hai tiếng đó trong cách nghĩ của mỗi người sẽ quyết định tâm thế của người làm nghề. Bởi thế nên mới có chuyện có những nhà báo "đam mê chữ nghĩa", suốt đời cặm cụi với nghề, sống thanh sạch, từ khi mới vào nghề cho đến lúc buông bút, nghỉ hưu.
Nhưng ngược lại có những cây bút, ngay từ lúc còn tại vị đã nhận không ít điều tiếng, bởi nghề báo trong suy nghĩ của họ đơn giản chỉ là một nghề kiếm cơm, không hơn không kém. Nói cách khác, sự thiếu lý tưởng trong nghề nghiệp đã làm một nhà báo từ "người làm nghề tử tế", được xã hội trọng vọng trở nên tầm thường, thậm chí bị khinh thường.
Tuy nhiên, dù nói gì thì nói, nghề báo trong chính sự phức tạp của nó vẫn tồn tại thực trạng ấy như nó vốn thế, như cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt tốt và xấu. Một cá nhân làm nghề sẽ tự mình chọn lựa một nẻo rẽ.
Một nhà lý luận về lịch sử tư tưởng văn học, báo chí đã viết rằng thể kỷ 19 là thế kỷ của các tiểu thuyết gia âm thầm ngự trị trên văn đàn, thế kỷ XX là thế kỷ của truyện ngắn và thế kỷ XXI, không còn nghi ngờ gì nữa, nhà báo đã ồn ào thay thế nhà văn. Xin được nói thêm rằng càng về phần sau của thế kỷ này thì báo chí, mạng xã hội sẽ lên ngôi và không gì sánh được sức mạnh khủng khiếp của nó.
Trong xu thế đó, những nhà báo, người được xã hội trao cho những quyền năng to lớn một mặt phải biết phát huy hết sức mạnh của nghề nghiệp, mặt khác, như người viết đã nói càng cần phải có những phút giây "tự vấn" về nghề của mình. Vì nếu không có nó, dễ thường anh sẽ đi lệch hướng.
Những sai lầm thường vô cùng tai hại, mà tác giả cũng "thân bại danh liệt". Mà một người làm nghề báo, trong suốt cuộc đời cầm bút của mình khó mà nói được sẽ không bao giờ có sai sót. Cũng như làm người ai dám chắc mình không có những sai lầm. Nhà báo xét cho cùng cũng là một con người, với tất cả những "hỉ, nộ, ái, ố" cùng những "tham, sân, si" của nó.
Dẫu có thế, những người làm nghề như tôi không phút nào thôi tự vấn. Mỗi một tác phẩm báo chí ra đời, là từng ấy thời gian tác giả mang theo những trăn trở, lo lắng. Chỉ đến khi "đứa con tinh thần" của mình đã ra đời, hoàn thành sứ mệnh của nó thì lúc ấy, tác giả mới tạm thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng không phải để nghỉ ngơi mà để tạm lắng lòng và để chuẩn bị lại tự lao mình vào một "lo lắng mới". Những sự tự vấn như vậy bao giờ cũng có tác dụng như một sự thanh tẩy tâm hồn. Nếu thiếu nó, tác giả khó mà có nổi sức mạnh vượt qua những nhọc nhằn triền miên, dằng dặc của nghề viết.
Mai Phương