Ngày cuối tuần rảnh rỗi, tôi tìm đến những cửa hàng đồng hồ trên địa bàn thành phố Ninh Bình để đem "chiếc máy thời gian" đã cũ là chiếc đồng hồ đeo tay của bố cách đây hơn 40 năm với hy vọng "tìm bệnh" để "chữa bệnh" nhưng đều nhận được câu trả lời chung: Cũ lắm rồi, không sửa được nữa, thiếu gì đồng hồ mới, mua cái khác mà đeo...Đang chán nản định về thì tôi thấy bên đường có một tủ đồng hồ cũ cùng một người đàn ông đang lặng lẽ miệt mài với những dụng cụ sửa đồng hồ tí hon, tôi dừng lại. Sau khi nghe mô tả "triệu chứng" cùng ý nghĩa của kỷ vật thời gian mà tôi mang đến, ông áp tai vào chiếc đồng hồ, chăm chú nhìn rồi tháo dần từng bộ phận, dùng kính lúp kiểm tra từng chi tiết. Gần 5 phút sau, ông Khôi ngẩng đầu lên, hỏi tôi: Đồng hồ kỷ niệm, lâu rồi không dùng đến, tưởng hỏng dây tóc à? Tôi giật mình vì ông thợ đoán đúng bệnh, ngạc nhiên, gật đầu theo phản xạ. Thấy khách tỏ vẻ thán phục, ông Khôi vẫn bình thản: Tôi sửa đồng hồ đã hơn 40 năm, bệnh kiểu này vẫn thường gặp. Đồng hồ của cháu là loại cơ tự động lên dây cót, nhưng nếu không thường xuyên sử dụng thì lâu lâu cũng phải dùng tay lên dây cót. Nhưng nếu "căng" quá tay thì "tóc đồng hồ" sẽ bị rối dẫn đến trục trặc. Mà không chỉ thế đâu, chân cơ của nó cũng có vấn đề đấy. Cứ để đây tôi tìm tòi cố sửa cho, chắc nó lưu giữ nhiều kỷ niệm của người ta lắm nên mới giữ đến bây giờ...
Ông Khôi bảo những người như tôi đem đồng hồ đến sửa ngày càng hiếm. Nhưng bù lại, bây giờ mỗi chiếc "máy thời gian" tìm đến ông để sửa chữa đều có một hoàn cảnh đặc biệt, hầu như đều là những kỷ vật không bao giờ quên của mỗi người. Vì vậy, chiếc đồng hồ không đơn thuần là vật lưu trữ thời gian mà đôi khi còn lưu giữ những câu chuyện cuộc đời đầy xúc động. Vừa làm, ông vừa kể về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Ông bảo: Hơn chục năm trở về trước, đồng hồ được ưa chuộng và trở thành vật "bất ly thân" của nhiều người, kể cả những tầng lớp bình dân. Vì vậy, những người thợ sửa đồng hồ như ông làm cả ngày đến đêm không hết việc.
Ngoài sửa chữa, ông còn tân trang đồng hồ cũ rồi bán cho khách hàng cũng đem lại những khoản thu nhập khá, lo đủ tiền ăn học cho 3 đứa con. Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh của điện thoại di động có chức năng hiển thị giờ, ngày tháng khiến thói quen sử dụng đồng hồ để xem thời gian của mỗi người không còn. Ngay cả chiếc đồng hồ treo tường trong nhiều gia đình cũng là đồ điện tử mà hầu hết thợ sửa đồng hồ đường phố như ông chỉ chuyên về đồng hồ cơ học.
Vì vậy, nhiều người không trụ nổi đành phải bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh. Nhớ lại thời vàng kim của nghề sửa đồng hồ, ông Khôi không khỏi ngậm ngùi: Ngày ấy, khách cứ đông nườm nượp, cái tủ kính nhỏ xíu này của tôi lúc nào cũng trĩu nặng bởi nhiều loại đồng hồ khác nhau, chủ yếu là đồng hồ đeo tay. Có những hôm làm đến mờ cả mắt mà chưa hết việc. Nhưng nay thì khác rồi, làm cho vui, cho đỡ quên, đỡ nhớ nghề vì có mấy ai dùng đồng hồ cơ đâu, đồng hồ giá cũng rẻ đi, hỏng cái này thì thay cái khác, đơn giản, lại không mất công, mất thời gian sửa chữa. Khách của ông Khôi bây giờ chủ yếu là những mối khách quen từ lâu năm, đơn thuần chỉ là lau dầu và thay pin định kỳ, đôi khi là thay dây nữa. Tùy theo từng loại đồng hồ mà giá của hai dịch vụ này khoảng 50 - 100 nghìn đồng cho mỗi lần thay pin và lau dầu.
Nếu như những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, với nghề sửa đồng hồ, mỗi tháng ông Khôi có thể kiếm được hơn 1 cây vàng nhưng bây giờ ế ẩm, chỉ 50 đến 100 nghìn đồng một ngày, nhiều ngày còn không có khách. Với ông Khôi, người đã gắn bó cả đời với nghề sửa đồng hồ thì nỗi buồn không chỉ từ sự đi xuống của thu nhập mà còn đến từ những thử thách trong nghề ngày càng giảm. Hiếm khi ông Khôi mới có cơ hội thể hiện kinh nghiệm và sự khéo léo của người thợ trong việc "tìm lại nhịp thời gian đã mất" cho những chiếc đồng hồ và người ta cũng sẽ không thể biết được sự tài hoa của những người thợ giỏi khi không trực tiếp chứng kiến họ làm việc.
Mặc cho đôi mắt không còn tinh tường như trước, nhưng tôi thấy ông vẫn còn nguyên niềm đam mê làm "sống lại" những "cỗ máy thời gian" đã cũ. Cầm một chiếc đồng hồ đeo tay đã rất cũ của khách đưa cho tôi xem, ông Khôi chia sẻ: Một vài người già thường mang tới sửa những chiếc đồng hồ rất cũ, mặt kính bị trầy xước, bên trong thì ố vàng, bộ máy hầu như chẳng còn sử dụng được gì nhưng họ vẫn yêu cầu sửa. Với nhiều người, những chiếc đồng hồ cũ kỹ như vậy là một kỷ vật và khó phai theo thời gian. Khi nhìn những vị khách vui vẻ nhận lại chiếc đồng hồ đã "hồi sinh", người thợ chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Đó chính là động lực để tôi gắn bó và yêu nghề. Người ta thường nói vui, những người thợ sửa đồng hồ lâu năm cũng giống như những bác sĩ giỏi. Họ có thể "bắt" được mọi loại "bệnh" cho chiếc đồng hồ bằng kinh nghiệm của mình. "Con người nếu bị bệnh có thể nói cho bác sĩ biết, còn như chiếc đồng hồ chỉ có thể nhờ ở sự hiểu biết của người thợ để tìm ra đúng "bệnh" mà chữa. Lấy lại được thời gian cho chiếc đồng hồ giống như tìm lại được nhịp đập cho trái tim của một con người vậy", ông Khôi trầm ngâm.
Thợ sửa đồng hồ không chỉ là người giữ nhịp thời gian mà còn là những người đầy sáng tạo để mang lại vẻ đẹp riêng cho sản phẩm của mình. Vào những lúc rảnh rỗi, ông Khôi lại tự mày mò chế lại những linh kiện bị hỏng, tân trang lại những loại đồng hồ cũ. Trong cuộc sống ngày càng nhộn nhịp, đâu đó vẫn có những người thợ như ông Khôi vẫn luôn lặng lẽ, miệt mài và đam mê với âm thanh tích tắc của những chiếc đồng hồ cũ, cổ, vẫn đầy nhiệt huyết trong việc níu giữ thời gian và làm sống lại những kỷ niệm xưa cũ của nhiều người.
Bài, ảnh: Đức Quỳnh