Ngôi nhà của cựu chiến binh Đinh Quang Ngọ từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người mê cổ vật trong tỉnh. Ở đây, người yêu cổ vật không chỉ thỏa sức ngắm nhìn đa dạng cổ vật từ gốm, công cụ đá, trang sức ngọc, đồ đồng cổ từ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Phùng Nguyên, thời kỳ Bắc thuộc, thời nhà Lý - Trần - Lê, thời nhà Nguyễn…, mà còn được chia sẻ về giá trị lịch sử, văn hóa từng món cổ vật với chủ nhân của chúng.
Chia sẻ về đam mê sưu tầm cổ vật, cựu chiến binh Đinh Quang Ngọ cho biết: Thú chơi đồ cổ, thú chơi đá cảnh... Riêng thú chơi đồ cổ có nét văn hóa riêng, tìm về cội nguồn, ngược dòng thời gian để tìm lại những tinh hoa của ông cha để lại trên di sản. Niềm đam mê cổ vật của tôi xuất phát từ gia đình có truyền thống chơi cổ vật từ bố, nhưng lúc đó chưa có nhiều điều kiện tìm hiểu sâu, kỹ. Khi lớn, có điều kiện công tác tại đơn vị quân đội về công tác bảo tàng đã giúp tôi tìm hiểu sâu hơn và đam mê với những món đồ cổ giá trị về lịch sử, văn hóa.
Hơn 60 năm tuổi đời nhưng cựu chiến binh Đinh Quang Ngọ có 17 năm gắn bó với công tác bảo tàng và 26 năm sưu tầm chơi đồ cổ. Đến nay, bộ sưu tầm đồ cổ của ông đa dạng, phong phú, với nhiều chủ đề tương ứng với giá trị lịch sử của nó, bởi ông cho rằng "mỗi nét hoa văn gợi nhớ một vương triều".
Hiện nay, ông sở hữu bộ gốm văn hóa Đông Sơn đến tiền Đông Sơn (từ 2.500-4.000 năm); bộ công cụ đá 4.000 năm; bộ trang sức đá ngọc văn hóa Đông Sơn đến Phùng Nguyên; bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn; bộ đồ gốm thời kỳ Bắc thuộc (đời Hán đến hết đời Đường); bộ sưu tập gốm thời Lý - Trần; bộ sưu tập gốm Hoa Lam Chu Động thời Lê (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII); cổ vật thời Nguyễn.
Đam mê sưu tầm và chơi đồ cổ đã lâu, cựu chiến binh Đinh Quang Ngọ giờ đây đã sở hữu vốn kiến thức tương đối dày dặn về đánh giá đồ gốm và giá trị của từng món đồ. Ông được anh em, bạn bè trong Hội cổ vật Tràng An đánh giá cao về sự hiểu biết cũng như niềm đam mê, luôn chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm với hội viên trong Hội. Cựu chiến Binh Đinh Quang Ngọ cho biết: Đồ cổ có giá trị là đồ có kỹ thuật chế tác càng tinh xảo thì càng có giá trị lớn; đồ có tuổi càng cao thì càng hiếm; đồ toàn lành có giá trị cao. Tuy nhiên, với cổ vật, việc giám định niên đại không phải quá khó nhưng để nhận biết được giá trị ẩn chứa trong cổ vật mới khó hơn. Do đó, để có thể đánh giá giá trị, giám định niên đại món đồ cổ, người chơi cần có kiếm thức toàn diện, vững về kiến thức Lịch sử, Vật lý, Hóa học, hiểu biết về văn hóa từng dân tộc, văn hóa từng vùng miền.
Đặc biệt, với mỗi người chơi đồ cổ thường bắt đầu từ đam mê, chơi, mua đồ, ngấm sâu vào sở thích, từ đó sẽ tìm hiểu về đồ cổ các niên đại qua nhiều kênh như qua sách vở, trên mạng xã hội, trên internet, qua bảo tàng, qua giao lưu học hỏi kiến thức thực tế từ các thành viên đam mê đồ cổ chia sẻ cho nhau.
Từ thú vui bản thân về đồ cổ, giờ đây cựu chiến binh Đinh Quang Ngọ đã khơi dậy và tuyên truyền cho người thân, anh em bạn bè hiểu và trân quý món đồ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, từ đó thêm tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc và các nền văn minh trên thế giới. Hiện ông và vợ đều là hội viên trong Hội cổ vật Tràng An.
Không chỉ là đam mê sưu tầm, giao lưu các món đồ cổ với các thành viên trong Hội cổ vật Tràng An và các hội viên ngoài tỉnh, cựu chiến binh Đinh Quang Ngọ là người gương mẫu, trách nhiệm với việc bảo tồn, quảng bá giá trị cổ vật tới nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Ông đã 2 lần tặng cổ vật có giá trị cho Bảo tàng tỉnh; 1 lần tặng 9 món cổ vật cho Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư để trưng bày bảo tồn và phục vụ du lịch. Năm 2017, cựu chiến binh Đinh Quang Ngọ được Bảo tàng tỉnh trân trọng ghi nhận đóng góp cổ vật cho Bảo tàng. Năm 2019, được Hội Di sản văn hóa Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam.
Bài, ảnh: Hồng Vân