Lập nghiệp ở vùng đất đầy nắng và gió biển mặn mòi, ban đầu gia đình ông Túc trồng cói, nhưng liên tục gặp thất bại do giá cả thị trường không ổn định, cây cói không thể duy trì. Bản thân ông Túc luôn suy nghĩ, trăn trở: Tại sao mình là người vùng biển mà lại không thể làm giàu từ tiềm năng của biển?
Từ năm 2005, sau khi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi, gia đình ông quyết định chuyển đổi diện tích trồng cói kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Với diện tích gồm 24 sào đầm và 4 sào bờ lắng, ông đã phân thành 2 lô lớn và nhỏ, độ sâu 0,7 m, đào rãnh quanh ao, xây dựng cống tưới tiêu nước.
Để có kiến thức và kinh nghiệm đầy đủ trong việc nuôi thủy sản, không chỉ đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đi trước, ông Túc còn mày mò tìm đọc các tài liệu về cách nuôi thả thủy sản, cách phòng, chống dịch bệnh, chủ động đi tìm mua nguồn giống chất lượng về nuôi thả, tham gia tích cực các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do HTX nông nghiệp tổ chức…
Ban đầu, gia đình ông nuôi ghép tôm sú và cua xanh. Qua vụ đầu tiên đạt kết quả khả quan, không chỉ có thu nhập mà ông còn rút ra kinh nghiệm trong việc nuôi trồng thủy sản là phải hiểu được đặc điểm của nước, của đầm để tiến hành nuôi thả lồng ghép, kết hợp từ 2-3 loại thủy sản thì mới tránh rủi ro và các loại cây, con có thể hỗ trợ cho nhau.
Mấy năm trở lại đây, gia đình ông đã kết hợp nuôi thả nhiều loại thủy sản như: tôm sú, cua xanh, cá rô phi đơn tính…, trên bờ trồng hoa màu, nuôi gia súc, gia cầm. Việc nuôi thả thủy sản được ông tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ việc chăm sóc, theo dõi diễn biến môi trường ao nuôi đến việc kịp thời phát hiện, xử lý bệnh dịch. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông tổ chức vệ sinh ao theo quy trình kỹ thuật đã được học tập nên bệnh dịch ít xảy ra. Nếu có cũng được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lan ra diện rộng.
Từ năm 2005 đến nay, chưa năm nào gia đình ông Túc không có thu nhập hoặc thu nhập giảm sút từ nuôi thủy sản. Cao điểm năm 2007, trừ các chi phí, gia đình ông có thu nhập 40 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá cao của một hộ nông dân ở Kim Hải.
Thăm mô hình nuôi thả thủy sản của gia đình, ông Túc cho biết: Phải hiểu được đặc tính của con vật nuôi thì mới nuôi thả thành công. Từ đầu năm 2009 đến nay, gia đình tôi đã thả 5 vạn con tôm kết hợp với thả 1.000 con cua xanh qua ương. Sau 45 ngày nuôi khi đầm xuất hiện rêu rớt phát triển mạnh thì thả thêm 1.000 con cá rô phi đơn tính, vì đây là loài cá chuyên ăn rong rêu...
Từ đầu năm đến nay, gia đình ông đã thu được khoảng 20 triệu đồng từ tôm sú và cua xanh. Hiện nay, thủy sản trong đầm vẫn tiếp tục cho thu hoạch. Gia đình ông dự kiến đến cuối năm nay sẽ thu thêm từ 15- 20 triệu đồng từ hai loài thủy sản có giá trị kinh tế cao là tôm sú và cua xanh. Ngoài ra, ông còn thu nhập từ cá rô phi, các loại gia súc, gia cầm…
Đối với người nuôi trồng thủy sản ở Kim Hải như ông Cao Văn Túc, mong muốn lớn nhất là thời tiết thuận hòa để các vụ nuôi thả đạt chất lượng, hiệu quả, mang lại thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Túc còn mong muốn những khó khăn, vướng mắc của các hộ nuôi trồng thủy sản như gia đình ông thường hay gặp phải như: nguồn giống thủy sản, mô hình trình diễn, phòng, chống dịch bệnh… sớm được quan tâm giải quyết để không chỉ giúp cho gia đình ông mà nhân dân vùng nuôi trồng thủy sản sản xuất ổn định, an toàn và phát triển.
Lý Nhân