Phóng viên (P.V): Đồng chí đã có bao nhiêu năm gắn bó với công tác tư tưởng?
Đồng chí Dương Quang Hải (D.Q.H): Tôi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm năm 1970, công tác trong ngành Giáo dục đến năm 1995 thì chuyển sang làm việc tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Mô, sau đó về Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Thời gian làm công tác tư tưởng đã trên 13 năm, đó là thời gian để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc, cũng như giúp tôi tích lũy thêm cho mình những phẩm chất cần có để làm tốt công việc hiện tại.
P.V: Nhiều người cho rằng làm công tác tư tưởng vừa "khó" lại vừa "khô". Đồng chí nghĩ sao về nhận định này?
Đ/c D.Q.H: Do phải thường xuyên giao lưu trực tiếp với người nghe, nên đòi hỏi người làm công tác tư tưởng phải có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng giao tiếp truyền cảm và quan trọng nhất là làm thế nào để có thể gần gũi với người nghe. Nhưng theo tôi cái khó của người làm công tác tư tưởng chính là hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, người nghe có thể nắm thông tin đa chiều từ các phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau như báo hình, báo nói, báo viết, báo mạng, vì thế chọn lọc thông tin chính xác, diễn giải thông tin khoa học, thuyết phục là điều hết sức cần thiết.
Hơn nữa, đối tượng giao tiếp của người làm công tác tư tưởng rất đa dạng, xuất phát từ nhiều vùng, miền khác nhau, trình độ nhận thức không đồng đều, tuổi tác, giới tính khác nhau, đòi hỏi với mỗi người, mỗi đối tượng phải có những cách tiếp cận khác nhau, sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Còn nếu nói làm công tác tư tưởng là "khô" thì tôi nghĩ không hẳn như vậy. Công tác tư tưởng có thể trở nên "mềm", linh hoạt, nếu như người làm công tác tư tưởng có năng khiếu, gắn những bài giảng lý luận với ví dụ về thực tiễn trong cuộc sống, phù hợp với trình độ người nghe, để dễ hiểu, dễ tiếp cận.
P.V: Trên 10 năm làm công tác tư tưởng, theo đồng chí những tố chất cần thiết của một người làm công tác tư tưởng là gì?
Đ/c D.Q.H: Hơn 10 năm công tác, tôi cũng tích lũy được cho mình một số kinh nghiệm. Theo tôi tố chất cần thiết nhất của người làm công tác tư tưởng là phải có một lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, nhận thức sâu sắc về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật. Bên cạnh đó, phải có tinh thần trách nhiệm cao, có lòng say mê với nghề, dồn tâm huyết vào mỗi bài giảng, mỗi lời nói. Có như thế, mỗi bài giảng mới tránh được tình trạng lặp lại, nhàm chán, tạo được cảm hứng cho người nghe.
Người làm công tác tư tưởng cũng cần phải thường xuyên học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ nhận thức, tiếp cận với những thông tin nóng, mới trong nước và quốc tế, giúp cho bài giảng giàu sức thuyết phục và có những lý lẽ, dẫn chứng phù hợp. Bản thân tôi luôn ghi chép, cập nhật hàng ngày những số liệu, những sự kiện trên các báo, tạp chí để phục vụ tốt hơn công tác của mình.
PV: Làm công tác tư tưởng trong thời kỳ hiện nay gặp không ít khó khăn. Động lực nào giúp đồng chí vượt qua những khó khăn đó?
Đ/c DQH: Sự yêu mến, tin tưởng của bạn bè, đồng nghiệp chính là niềm cổ vũ lớn nhất với tôi trong khi làm công tác này. Bên cạnh đó, niềm đam mê với nghề như đã thấm vào máu vậy, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Tôi nhớ có lần khi quán triệt Nghị quyết tại một cơ sở, lúc đầu cán bộ, đảng viên ở đó rất không tập trung nghe. Tôi đã kể một câu chuyện về tấm gương làm việc của Bác Hồ, ý câu chuyện là trong giao tiếp, ngoài sự nhiệt tình của người thuyết trình, người nghe phải tập trung, cổ vũ cho người đó thì mới nâng cao được hiệu quả giao tiếp. Sau khi tôi kể câu chuyện ấy hội trường im lặng hẳn và buổi nói chuyện hôm ấy đạt được hiệu quả cao. Đó là một trong những kỷ niệm trong nghề của tôi. Và những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng đi sâu vào đời sống nhân dân là động lực giúp tôi cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Quỳnh Thu (Thực hiện)