Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi về công tác tại Phòng Tòa soạn Báo Ninh Bình. Quãng thời gian mới vào nghề, tôi vừa quan sát học hỏi, tiếp cận công việc, vừa được sự chỉ bảo, dìu dắt của các đồng chí Tổng Biên tập Trần Phượng, Phó Tổng Biên tập Tạ Khôi và nhiều anh chị em phóng viên, đồng nghiệp khác, đặc biệt tôi được sự dìu dắt trực tiếp của đồng chí Trưởng phòng Tòa soạn Đỗ Bằng (sau này là Phó Tổng Biên tập) và chị Đỗ Hoa (đã chuyển công tác lên Hà Nội)…
Trong Phòng Tòa soạn, đồng chí Đỗ Bằng và Đỗ Hoa làm công tác biên tập, đồng chí Xuân Tứ là họa sỹ trình bày, còn tôi và đồng chí Mỹ Hạnh được giao nhiệm vụ đọc mo-rát.
Hồi đó, Báo Ninh Bình xuất bản một tuần 2 số báo. Việc sắp chữ, chế bản báo đều làm tại Xí nghiệp in Ninh Bình, nên vào các buổi chiều thứ ba, thứ năm hàng tuần, chúng tôi đến Nhà in đọc mo-rát; kiểm tra lỗi sau khi công nhân Nhà in đã bình bản báo xong.
Thời điểm chưa phải xuống nhà in, Phòng Tòa soạn làm công tác biên tập, trình bày makét báo, lựa chọn ảnh cho số báo tới. Do đặc thù công việc nên chúng tôi thường xuyên phải làm việc vào buổi tối. Buổi chiều đọc mo-rát ở Nhà in xong, sau bữa cơm tối, chúng tôi lại có mặt ở Nhà in để kiểm tra bản bình trước khi phơi bản kẽm để in báo.
Làm báo thời điểm đó tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng rất nhiều kỷ niệm. Anh chị em trong Phòng luôn khích lệ, động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ đó, chúng tôi yêu công việc, luôn nỗ lực cùng nhau phấn đấu, trưởng thành.
Sau này, tôi và đồng chí Mỹ Hạnh được giao đảm nhiệm công tác biên tập. Ngoài làm công tác biên tập ở Phòng Tòa soạn, tôi có hơn 3 năm được trải nghiệm công việc của người phóng viên. Thời gian công tác ở Phòng Chính trị cũng rèn cho tôi bản lĩnh của người làm báo.
Đó là sự nhiệt huyết, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi đến địa bàn vùng sâu, vùng xa tìm tòi, thu thập tư liệu, phản ánh thực tiễn sinh động ở cơ sở, luôn sẵn sàng bám sát dòng thời sự chủ lưu của tờ báo… Qua thời gian, vốn sống, chất liệu, kinh nghiệm làm báo, biên tập của tôi được ngày càng được tích lũy dày thêm, phong phú thêm.
Năm 2007, Báo Ninh Bình thành lập Phòng Vi tính - Chế bản, cán bộ, nhân viên của Phòng được đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, máy móc hiện đại được đầu tư phục vụ cho việc trình bày, chế bản báo tại tòa soạn. Phòng Tòa soạn cũng được bổ sung, kiện toàn về nhân sự làm công tác biên tập, đọc mo-rát. Do đó, công việc biên tập, trình bày, chế bản báo đi vào chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Trong hơn 20 năm qua, từ xuất bản 2 số báo/tuần, Báo Ninh Bình đã tăng kỳ xuất bản lên 5 số/tuần, ra số báo Ninh Bình cuối tuần, phát triển Trang thông tin điện tử thành Báo Ninh Bình điện tử. Tờ báo Ninh Bình ngày càng chững chạc, hấp dẫn cả về nội dung và hình thức, mang phong cách và bản sắc riêng, được bạn đọc đón nhận, khen ngợi.
Báo chí là một nghề đặc thù. Vì vậy, người làm công tác biên tập trong các tòa soạn báo cũng đòi hỏi vốn kiến thức phong phú, kỹ năng nghề nghiệp, bản lĩnh và tư suy sắc bén để các tác phẩm báo chí đến với bạn đọc bảo đảm tính chính xác, sinh động và hấp dẫn.
Trong tòa soạn báo, người làm công tác biên tập không chỉ đọc sửa, soát lỗi nội dung các tác phẩm báo chí, chịu trách nhiệm nội dung thông tin mà còn là người lên ý tưởng, gợi ý đề tài cho phóng viên, chỉ dẫn dàn trang, trình bày bố cục trang báo… Vì vậy, người biên tập được coi là người "gác cổng", phụ trách công việc "bếp núc" của tờ báo. Đây cũng là công việc thầm lặng, áp lực, đòi hỏi sự tỷ mỉ, cẩn trọng, khách quan, vốn kiến thức phong phú và sự sáng tạo không ngừng của người biên tập.
Từ thực tiễn công việc, tôi nhận thấy rằng biên tập không phải là công việc nhàn nhã. Do trình độ của phóng viên không đồng đều, nhận thức, tư duy, cách tiếp cận, diễn đạt vấn đề cũng khác nhau nên công việc của người biên tập cũng vất vả hơn.
Có không ít phóng viên cẩu thả trong viết tin, bài, viết xong thường không đọc lại nên khi tiếp nhận bản thảo, người biên tập phải sửa từng lỗi chính tả, lỗi về ngữ pháp… Có nhiều lỗi sai phóng viên hay mắc phải là lỗi sai về ngày, tháng, năm diễn ra sự kiện, sai số liệu, địa danh, họ tên nhân vật phản ánh trong tác phẩm…, nếu không tỉnh táo đọc sửa, người biên tập rất dễ bỏ qua.
Có những tin, bài, người viết diễn đạt dài dòng, lủng củng, thiếu logic, người biên tập phải dày công biên tập, gọt giũa để tác phẩm ngắn gọn, súc tích, văn phong trong sáng, gần gũi hơn. Có nhiều tác phẩm, người biên tập chỉ cần sửa tít bài, sửa tít phụ, sapô, bố cục là đã góp phần nâng tầm cho mỗi tác phẩm báo chí nhưng không làm mất đi bản sắc, phong cách viết của tác giả… Lúc này người biên tập trở thành "bà đỡ" cho các tác phẩm báo chí.
Có thể nói, thách thức, áp lực lớn nhất của người làm công tác biên tập là trực làm các tin, bài về các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, của đất nước; các sự kiện diễn ra đột xuất… Vì vậy, ê kíp của Phòng Tòa soạn, Vi tính - Chế bản phải tập trung cao độ làm tin chờ, bài chờ, có khi kết thúc công việc vào lúc nửa đêm, để thông tin đến với bạn đọc đảm bảo nhanh nhạy, chính xác, là nguồn thông tin chính thống…
Thời điểm làm số báo Tết hay các số báo đặc biệt của Phòng Tòa soạn cũng tất bật, sôi nổi hơn. Đồng chí Trưởng phòng phân công êkíp làm số báo thời sự, làm báo số báo Tết, số báo đặc biệt… để công việc luôn nhịp nhàng, linh hoạt, không bị chồng chéo, nhưng khi cần thiết các êkíp vẫn có thể hỗ trợ nhau để công việc đạt hiệu quả cao nhất. Đây là thời điểm, cán bộ, biên tập viên trong Phòng đều làm việc hết công suất, phải làm thêm giờ, làm vào các ngày nghỉ để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng xuất bản báo.
Tập trung, cẩn trọng, nhạy cảm là thế, vậy mà tôi cũng như các đồng nghiệp làm ở Phòng Tòa soạn cũng không tránh khỏi những sơ suất, sai sót không đáng có. Có khi là lỗi sai ở tít, có khi lỗi sai về chính tả, về số liệu, sai ở chú thích…, không lỗi sai nào giống lỗi sai nào. Với những sơ suất, sai sót này, người biên tập rất buồn, tự rút kinh nghiệm để luôn cẩn trọng hơn trong công việc.
Nghề báo là một nghề luôn có sự cạnh tranh và phải đổi mới liên tục về nội dung, hình thức cho phù hợp với sự vận động không ngừng của xã hội. Ngoài áp lực công việc, thách thức hiện nay của người biên tập là độ nhạy bén và nắm bắt được xu hướng của thời đại.
Điều này đòi hỏi người biên tập phải luôn vận động, đổi mới tư duy, thay đổi nội dung và cách thức biên tập, tiếp cận với phương thức làm báo hiện đại để phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp với nhu cầu của độc giả.
Mỗi tờ báo được xuất bản, được bạn đọc đón nhận đã tạo niềm vui, động lực đối với những người làm công tác biên tập, để chúng tôi được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, thêm yêu nghề, tận tâm, tận lực với công việc. Đối với người biên tập, cần lắm "một trái tim nóng và một cái đầu lạnh", luôn đam mê và sống cùng dòng chảy của báo chí, đời sống xã hội.
Ngọc Minh