Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn doanh nhân Đinh Cao Khuê để hiểu rõ hơn về những đóng góp của ông trên cương vị là người chèo lái con thuyền DOVECO vươn ra biển lớn.
Phóng viên (P.V): Thưa ông Đinh Cao Khuê, Nông trường Đồng Giao trước đây, nay là Công ty Cổ phần TPXK Đồng Giao đã trải qua không ít thăng trầm. Ông có thể khái quát những bước đi của đơn vị để bứt phá trở thành một trong 6 trung tâm chế biến thực phẩm hiện đại và quy mô nhất ở Việt Nam hiện nay?
Ông Đinh Cao Khuê: Nông trường Đồng Giao thành lập năm 1955. Sau một thời kỳ khai khẩn, Đồng Giao bước vào một thời kỳ phát triển toàn diện, các loại cây trồng, cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây lương thực, cây làm thức ăn cho gia súc, cây ăn quả, cây dược liệu… và gia súc, gia cầm được đưa về trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời Đồng Giao chế biến cà phê nhân, sữa hộp, dầu xả.
Năm 1967, cây dứa được trồng thử nghiệm tại đây, đến năm 1972 thì chính thức trở thành cây trồng chủ lực của Đồng Giao và gắn bó cho đến nay. Tuy nhiên, cây dứa cũng có một khoảng thời gian phải nhường bước cho cây mía, đó là vào thời điểm biến động chính trị lớn xảy ra ở Liên bang Xô Viết và các nước Đông Âu. Năm 1997, ngay sau khi có quyết định của Bộ Nông nghiệp & PTNT cho phép Xí nghiệp Nông công nghiệp Đồng Giao được đổi thành Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty bắt đầu nghiên cứu tìm ra hướng đi mới.
Sau nhiều phương án bàn bạc, thống nhất, cuối cùng đi đến kết luận là phải khôi phục cây dứa trên đất nông trường. Giống dứa QUEEN, rồi CAYEN đã được trồng ở Đồng Giao và đến nay cây dứa đã trở thành cây chủ lực với diện tích gần 1.800 ha.
Khi đã tìm ra cây trồng chủ lực, Công ty lại tiếp tục nghiên cứu thị trường và đưa vào trồng một số cây trồng mới như vải, lạc tiên, ngô ngọt, ngô rau, dưa chuột. Đặc biệt, Công ty đã tổ chức ký khoán cho các hộ nhận đất theo Nghị định 135, mỗi người lao động trở thành người chủ thực sự để sử dụng và đầu tư trên mảnh đất nhận khoán của mình theo định hướng cây trồng của Công ty. Hiện tại, toàn Nông trường Đồng Giao có diện tích rộng 5.500 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 4.000 ha với khoảng 1.800 hộ chuyên làm nghề trồng dứa, bình quân mỗi hộ có ít nhất 1ha đất canh tác trở lên.
Hàng năm, với hàng chục nghìn tấn nguyên liệu các loại đã đáp ứng 60% công suất hoạt động của nhà máy chế biến và tạo thế chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Bên cạnh đó, Công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu ra các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn, các loại cây trồng như ngô ngọt, ngô bao tử, dưa chuột... hàng năm cung cấp thêm 7 đến 10 nghìn tấn nguyên liệu. Trong quá trình xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, Công ty đặc biệt chú trọng tới việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh để tăng năng suất cây trồng, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng tốt.
P.V: Có được nguồn nguyên liệu ổn định, sản phẩm chất lượng đã khó, nhưng còn khó hơn đó là tìm ra thị trường tiêu thụ ở nước ngoài. Vậy chìa khóa thành công của Công ty ở đây là gì?
Ông Đinh Cao Khuê: Chìa khóa làm nên sự thành công ở Đồng Giao chính là việc đẩy mạnh và hiện đại hóa công nghệ chế biến nông sản. Slogan của công ty chúng tôi là "Sự hài lòng của bạn là cuộc sống của chúng tôi". Do đó, để "chinh phục" được những khách hàng nước ngoài khó tính, chấp nhận cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, Công ty đầu tư hệ thống chế biến đồng bộ hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của quốc tế như: Dây chuyền sản xuất rau và hoa quả đóng hộp của Cộng hòa Liên bang Đức, công suất 10.000 tấn/năm, thiết bị tự động hóa đạt tiêu chuẩn châu Âu; dây chuyền chế biến nước dứa cô đặc, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, thiết bị và công nghệ hiện đại của hãng Tetra Pak Thụy Điển; dây chuyền sản xuất, làm lạnh hoa quả theo công nghệ IQF, Block, công suất 8.000 tấn sản phẩm/năm, thiết bị hiện đại của Nhật Bản; dây chuyền chế biến nước quả tự nhiên, công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm...
Với một hệ thống sản xuất quy mô, hiện đại và đội ngũ công nhân, kỹ sư có tay nghề tốt, được đào tạo cơ bản, có chuyên môn sâu, đặc biệt là việc thực hiện tốt các quy chuẩn chỉ tiêu chất lượng quốc tế như: Kosher, FDA, SID, SGF, ISO 9001-2000, ISO 9001-2008 và HACCP, Đồng Giao đã cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới những sản phẩm tự nhiên có chất lượng cao. Tại trên 30 thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... sản phẩm của DOVECO đã chiếm được cảm tình của khách hàng và được đánh giá cao. Trong đó Mỹ là thị trường chính chiếm tới 65% sản phẩm gồm dứa cô đặc, dứa lạnh, vải lạnh, dưa chuột bao tử và đồ uống các loại.
Bên cạnh việc đầu tư về công nghệ thì công ty cũng luôn chú trọng đến việc phát triển con người vì đây được xem là yếu tố then chốt đảm bảo cho việc thành công của những kế hoạch trong tương lai.
P.V: Trên cương vị là một doanh nhân, lãnh đạo một đơn vị gắn bó nhiều với nông dân, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp?
Ông Đinh Cao Khuê: Trên 20 năm gắn bó với Đồng Giao tôi đã thấu hiểu những gian nan, vất vả của người nông dân, từ đó thôi thúc tôi nỗ lực mở rộng hoạt động chế biến và xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hiện, Công ty thường xuyên có trên 10.000 lao động, chúng tôi luôn luôn đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu. Công ty luôn nỗ lực tìm kiếm những bạn hàng tốt, có tính bền vững và mua sản phẩm của Công ty với giá cả hợp lý để mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà nông.
Đến nay Công ty có vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất, đồng nghĩa với việc bà con nông dân trong và ngoài tỉnh có đầu ra cho sản phẩm, thu nhập của người lao động vì thế được nâng cao hơn. Công ty còn phối hợp mở rộng vùng nguyên liệu ở các vùng trong tỉnh như Yên Khánh, Yên Mô và ngoài tỉnh như Hà Nam, Thanh Hóa... đồng thời đưa vào nhiều cây trồng mới nhằm tạo nguồn nguyên liệu dồi dào.
P.V: Ông đã nhiều năm gắn bó với Công ty và nhiều quyết sách của ông đã giúp cho Đồng Giao ngày một lớn mạnh. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân?
Ông Đinh Cao Khuê: Kinh nghiệm của bản thân tôi là ở cương vị nào cũng phải học. Học từ thực tế, học ở đồng nghiệp. Tôi bắt đầu học Tiếng Anh từ năm 1985, khi ấy Công ty còn đang trong giai đoạn khó khăn, không ai nghĩ rằng có một ngày Công ty sẽ vươn tầm ra thế giới như bây giờ. Và đến khi giữ cương vị lãnh đạo, tôi cũng không ngừng học tập để có kiến thức đa dạng về khoa học, hiểu biết về kinh doanh, nhanh nhạy về thị trường… Có như vậy thì trước những sóng gió vẫn có thể vững tay chèo.
Cùng với việc trau dồi kiến thức thì là một doanh nhân giỏi phải biết thu phục được lòng người. Mà muốn làm được điều này thì không có con đường nào ngắn và dễ bằng việc sống đúng mình, sống thật với tình cảm nhưng cũng phải giữ đúng nguyên tắc.
P.V: Xin cảm ơn ông !
Bảo Yến (Thực hiện)