Theo đó, toàn tỉnh đã có 618.000 người ở 119 xã nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chiếm 88%, trong đó số người được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung là 351.100 người, đạt 50%... Bên cạnh kết quả đạt được, có thể thấy còn nhiều tồn tại, bất cập. Hiện còn 29 xã chưa xây dựng được công trình cấp nước tập trung, nhiều xã đã được đầu tư xây dựng nhưng dở dang; một số nơi công trình bị hỏng nhưng không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp; một bộ phận người dân vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thể đầu tư lắp đặt đường nước về gia đình...DANG DỞ CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC GIA MINH
Về thăm xã Gia Minh (Gia Viễn) vào một ngày cuối tháng 9, những cơn mưa cuối mùa kéo dài đã khiến cho đoạn đường về xã thêm lầy lội, khó đi. Phải nói, so với nhiều xã trên địa bàn tỉnh, bộ mặt nông thôn ở Gia Minh thay đổi chậm. Trong nhiều cái khó, cái thiếu, có lẽ điều người dân nơi đây mong ngóng đã lâu vẫn là xây dựng được công trình cấp nước sạch cho xã. Làm việc với ông Vũ Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết: Là xã nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ nên cách đây khoảng chục năm, Gia Minh đã được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung, cán bộ và nhân dân trong xã ai cũng vui mừng, phấn khởi. Xã đã khẩn trương họp dân, thu hồi ruộng mạ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhà máy cấp nước. Người dân cũng sẵn sàng hợp tác để giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc lắp đặt đường ống nước. Từ năm 2006 đến 2009, nhà thầu đã xây dựng được tường bao, bể chứa, trạm biến áp, nhà điều hành và lắp đặt đường trục về các thôn, xóm. Chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước. Tuy nhiên, đến năm 2010, nguồn kinh phí cấp cho dự án bị dừng, khiến cho công trình dở dang, gián đoạn, đến nay chưa thể đưa vào hoạt động.
Hiện tại, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân như tắm giặt chủ yếu là nước giếng đào và ao hồ, còn nước mưa chỉ dành cho ăn uống. Nhiều gia đình cũng đã tính đến khoan giếng, song do cốt đất nơi đây thấp (có nơi thấp hơn mặt nước biển tới hơn 1m) lại có đá ngầm nên nước bị nhiễm mặn, hoặc không thể khoan được. Nước giếng đào thì chua và đục, muốn dùng được thì phải xây bể lọc bằng cát. Chị Nguyễn Thị Thi, thôn Chỉnh Đốn cho biết: Không có nước sạch, người dân chúng tôi phải sống chung với một số bệnh như bệnh ngoài da, viêm nhiễm phụ khoa, mắt hột; có những gia đình có điều kiện nhưng không thể xây dựng được các công trình phụ hợp vệ sinh như nhà tắm, hố xí tự hoại. Nếu có nước sạch thì đời sống người dân chúng tôi sẽ được nâng lên nhiều… Mong muốn của chị Thi cũng là nguyện vọng của hàng nghìn người dân trong xã, vì vậy mà tại các cuộc họp HĐND xã, một trong những vấn đề được cử tri quan tâm, chất vấn nhiều nhất vẫn là bao giờ có nước sạch? Xã cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, đầu tư hoàn thiện công trình cấp nước cho xã.
TÍN HIỆU VUI
Trước thực trạng nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Gia Minh bị dừng, theo đề nghị của xã, huyện và ngành chức năng, ngày 6-6-2013, UBND tỉnh đã có văn bản số 167/UBND-VP3 về việc chuyển chủ đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thuộc dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ huyện Gia Viễn từ UBND huyện Gia Viễn sang Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để tiếp tục hoàn thiện dự án.
Để thực hiện chủ trương trên, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã tích cực phối hợp với UBND huyện Gia Viễn thực hiện công tác bàn giao công trình. Ông Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Vừa qua, Trung tâm đã về khảo sát sơ bộ, nhận thấy, do công trình được khởi công xây dựng đã lâu, lại không hoạt động nên nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng, phần thiết kế cũng có những điểm cần điều chỉnh, do đó, Trung tâm sẽ phải thuê tư vấn thiết kế về khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, hạng mục nào còn sử dụng được, phần nào phải thay đổi, trên cơ sở đó sẽ lập lại dự toán thiết kế sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Về vấn đề này, lãnh đạo xã Gia Minh cũng đề xuất: Do công trình cũ thiết kế theo kiểu xây bể chứa chìm mà không xây tháp nước nên nếu bị xả tràn, toàn bộ phần bể chứa sẽ chìm trong nước, không đảm bảo vệ sinh cũng như rất khó khăn trong việc tạo áp lực khi bơm nước, do đó cần thay đổi thiết kế xây bể chứa bằng xây tháp nước. Nếu được, công trình nhà máy nước nên di chuyển từ phía trong đê ra ngoài đê, đặt tại ngọn núi cách vị trí cũ khoảng hơn 200m, như thế không lo nước ngập bể chứa, nguồn nước lấy lại sạch sẽ. Còn nếu để ở vị trí cũ thì cần đôn bể lên cao, cốt nền bằng với mặt đê, tránh để nước bẩn tràn vào khi bị lụt. Về đường ống, trước đây công trình lắp đặt bằng ống kẽm, chôn trong đất ẩm lâu ngày, nhiều đoạn bị gỉ, vì vậy nên thay bằng ống nhựa, như thế, vừa đảm bảo tuổi thọ công trình lại vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng nước do không bị nhiễm gỉ sắt.
Với sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, cán bộ và nhân dân xã Gia Minh một lần nữa hy vọng công trình cấp nước sinh hoạt cho xã sẽ được đẩy nhanh tiến độ, nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao sức khỏe, mức sống cho người dân vùng lũ vốn đã chịu nhiều khó khăn, vất vả.
Bài, ảnh: Hà Trang