Công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang Tại công trình nước sạch xã Gia Minh, những vạt cỏ dại mọc um tùm cao quá đầu nguời, các hạng mục được xây dựng trước đây giờ đã có dấu hiệu xuống cấp, những ống nước, bể chứa ngổn ngang đã bị cỏ mọc che phủ, không có người trông coi nên khuôn viên công trình hơn 2.000m2 trở thành hoang vu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Đình Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Minh cho biết: Là xã nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ nên cách đây khoảng hơn chục năm, Gia Minh đã được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung, cán bộ và nhân dân trong xã ai cũng vui mừng, phấn khởi. Xã đã khẩn trương họp dân, thu hồi ruộng mạ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhà máy cấp nước. Người dân cũng sẵn sàng hợp tác để giải phóng mặt bằng và tự nguyện đóng góp tiền để phục vụ cho việc lắp đặt đường ống nước.
Từ năm 2006 đến 2009, nhà thầu đã xây dựng được tường bao, bể chứa, trạm biến áp, nhà điều hành và lắp đặt đường trục về các thôn, xóm, chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước. Tuy nhiên, đến khoảng năm 2012, công trình không được tiếp tục đầu tư do nguyên nhân hết vốn từ dự án.
"Để tiếp tục thực hiện dự án nước sạch cho vùng lũ, theo đề nghị của xã Gia Minh, huyện Gia Viễn và ngành chức năng, ngày 6-6-2013, UBND tỉnh đã có văn bản số 167 về việc chuyển chủ đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thuộc dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ huyện Gia Viễn từ UBND huyện Gia Viễn sang Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để tiếp tục hoàn thiện dự án.
Đơn vị tiếp nhận dự án đã khắc phục những đoạn ống hỏng lắp đặt đường ống mới bổ sung… Tuy nhiên, lý do vì sao dự án không được tiếp tục thực hiện thì chúng tôi cũng không biết", Phó chủ tịch UBND xã Gia Minh cho biết.
Hai lần dự án nước sạch lại "lỗi hẹn" với người dân Gia Minh. Trước bức xúc và nguy cơ từ nguồn nước không đảm bảo cho sinh hoạt của người dân, chính quyền xã đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước hợp vệ sinh cho xã Gia Minh nhưng vẫn không có tín hiệu khả quan.
Sau hàng chục năm chờ đợi thì đến năm 2016, với chủ trương xã hội hóa nước sạch, Công ty Cổ phần nước sạch Ninh Bình đã tiếp nhận đầu tư. Xã Gia Minh cũng đã triển khai họp dân và tuyên truyền chủ trương này của Nhà nước. Tuy nhiên, do kinh phí đóng góp dự kiến đưa ra cho mỗi hộ là 5 triệu đồng thì dân không hưởng ứng. Chính vì thế đến nay nước sạch ở Gia Minh vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Hy vọng mòn mỏi của người dân vùng lũ
Dẫn chúng tôi đi dọc con ngòi lớn nhất ở xã, ông Phạm Đình Lý chỉ cho chúng tôi những chiếc máy bơm mà các hộ dân đặt dọc 2 bên bờ rồi giải thích: "Nước ở đây không bao giờ cạn nhưng quá ô nhiễm, chất thải gia súc, thuốc sâu ở ruộng ngấm hết xuống đây nên rất độc hại.
Nước ở ngòi nay chỉ có cá rô phi sống được, các loại tôm, cá khác chết hết". Nhiều gia đình cũng đã tính đến khoan giếng, song do cốt đất nơi đây thấp (có nơi thấp hơn mặt nước biển tới hơn 1m) lại có đá ngầm nên nước bị nhiễm mặn, hoặc không thể khoan được. Nước giếng đào thì chua và đục, muốn dùng được thì phải xây bể lọc bằng cát.
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi tìm hiểu thực tế tại gia đình ông Phạm Văn Hoan, thôn Chỉnh Đốn. Gia đình ông Hoan cùng một số hộ gia đình chung nhau lắp 1 máy bơm công suất lớn từ ngòi nước này vào đến bể lọc của gia đình. Mặc dù qua hệ thống lọc nhưng nước vẫn rất đục, có váng màu vàng, mùi tanh nên các hộ chỉ dùng làm nước tắm, giặt… còn nước ăn thì phải dùng nước mưa.
Ông Hoan thở dài: "Mùa lũ lụt nguồn nước ở bên ngoài chảy dồn về cuối nguồn nên ô nhiễm nặng dù qua bể lọc người dân vẫn thường xuyên bị các bệnh như đau mắt, tiêu chảy… còn mùa hạn thì có năm người dân phải chia nhau từng lít nước mưa. Chúng tôi thèm nước sạch lắm rồi".
Tuy khao khát là vậy nhưng khi Công ty Cổ phần nước sạch Ninh Bình về đầu tư nhà máy nước với tinh thần xã hội hóa, mỗi gia đình đóng góp 5 triệu đồng thì ông Hoan cũng như các hộ dân lại không đồng tình. Ông Hoan cho rằng: Với người dân nông thôn chúng tôi lấy đâu ra 4-5 triệu để mắc nước sạch.
Cách đó không xa là gia đình bà Đinh Thị Thảo, xóm Trình Phú. Khi chúng tôi đến thăm, bà Thảo đang bị gãy tay, cánh tay lành lặn đang cố níu máng hứng nước mưa từ mái nhà vào bể. Bà Thảo trần tình: "Nước mưa chỉ dùng để ăn thôi, hàng ngày tôi phải múc nước ở dưới ngòi lên dùng. Nước bẩn lắm, nhưng có 1 mình nên tôi không làm được bể lắng…Chả biết bao giờ người dân chúng tôi mới có nước sạch".
Đối với việc đóng góp làm đường ống nước sạch, bà Thảo nói: "Mỗi tháng tôi được Nhà nước trợ cấp hộ nghèo, neo đơn là 450 nghìn đồng. Nếu phải đóng 4-5 triệu để làm đường ống thì có lẽ tôi sẽ phải gom 1 năm tiền trợ cấp…"
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Gia Minh là một xã nghèo của tỉnh, thu ngân sách hàng năm khoảng 100 triệu đồng. Mặc dù xã rất tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế để giảm nghèo, nhưng do vị trí của xã nằm cách xa trung tâm, cộng thêm thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt nên đến nay điều kiện phát triển kinh tế vẫn rất khó khăn.
Trao đổi với ông Bùi An Khang, Phó phòng Nông nghiệp huyện Gia Viễn chúng tôi được biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Gia Viễn còn 3 xã Gia Phương, Gia Phong và Gia Minh chưa có nước sạch. Mặc dù trước đó các xã đã được Nhà nước quan tâm đầu tư công trình nước sạch từ nguồn vốn phân lũ, chậm lũ nhưng do nguồn vốn hết nên đến nay các công trình vẫn dở dang, chưa hoàn thiện để đi vào hoạt động.
Hiện nay nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa nước sạch, do đó huyện Gia Viễn đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần nước sạch Ninh Bình vào đầu tư tại xã Gia Minh. Tuy nhiên, theo kiến nghị của lãnh đạo xã Gia Minh "mặc dù Nhà nước có chủ trương xã hội hóa nước sạch nông thôn nhưng đối với những xã nghèo như Gia Minh chúng tôi rất mong có chính sách đặc thù để hỗ trợ nhân dân giảm bớt những khó khăn".
Nguyễn Thơm