Bà Nguyễn Thị Cúc (ở xóm Phấn Trung), có vẻ bề ngoài thô mộc, chân chất nông dân nhưng khi bà cất lên những làn điệu chèo trong trẻo, ít ai nghĩ bà đã ở độ tuổi ngoài 60. Bà Cúc kể: Trong gia đình có người yêu nghệ thuật chèo nên từ nhỏ, bà Cúc thường xuyên được nghe các làn điệu chèo do ông bà, bố mẹ mình hát. Hồi 17- 18 tuổi, bà đã tham gia CLB chèo của xóm Phấn Trung. Lúc nào câu lạc bộ của xóm cũng duy trì được hơn 10 thành viên, CLB thường tham gia luyện tập và biểu diễn ở các hội nghị, ngày lễ, kỷ niệm ở địa phương, góp phần làm dấy lên phong trào hát chèo sôi nổi.
Những ngày ấy, cứ mỗi chiều về hoặc buổi tối sau khi hoàn tất công việc nhà nông, Nhà văn hóa xóm lại sáng đèn với đông đảo các diễn viên, người dân đến xem và cổ vũ… sau này, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình mải làm ăn, thanh niên học xong rời làng đi học, đi lập nghiệp… khiến nghệ thuật chèo dần mai một. Tuy vậy, với những người đam mê nghệ thuật như bà Cúc thì chèo vẫn được duy trì bằng nhiều cách.
Năm nay, câu lạc bộ chèo xóm Phấn Trung được thành lập với sự tham gia của hơn 20 hội viên phụ nữ. Chưa có điều kiện để mua sắm trang phục, nhạc cụ…, nhưng sân nhà văn hóa xóm vào nhiều buổi tối vẫn thu hút đông khán giả đến xem bởi sự nhiệt tình trong luyện tập của những người yêu chèo. Các tiết mục chèo phần lớn đều do bà Cúc tự biên, tự dàn dựng để các thành viên CLB luyện tập. Mỗi khi có lời mời biểu diễn, câu lạc bộ dành thời gian luyện tập, đi thuê trang phục biểu diễn, huy động thêm các nhạc công từ các câu lạc bộ chèo ở xóm khác về hỗ trợ, đem lại những làn điệu chèo phục vụ bà con.
Cùng với hoạt động của câu lạc bộ chèo xóm Phấn Trung, ở Ninh Khang còn có câu lạc bộ chèo xóm Tiến Thịnh được thành lập từ năm 2007 và hiện nay một số xóm đang tích cực gây dựng phong trào, thành lập CLB. Như tại xóm Phấn Thượng, tuy chưa thành lập được câu lạc bộ chèo nhưng trong nhiều chương trình văn nghệ của xóm, các tiết mục chèo đã được công diễn và nhận được sự ủng hộ, yêu thích của người dân trong xóm.
Để có thêm kinh nghiệm, kiến thức về nghệ thuật chèo, ngoài việc học hỏi từ các câu lạc bộ chèo trong xã, xóm Phấn Thượng còn cử 10 người tham gia luyện tập tại câu lạc bộ Thúy Sơn (thành phố Ninh Bình) để về gây dựng phong trào. Bác Trần Thị Hoa, thành viên câu lạc bộ Văn hóa - thể dục thể thao của xóm phấn khởi cho biết: Tôi cũng là một người yêu chèo nên nhiều năm qua đã tham gia luyện tập để phát triển phong trào. Chúng tôi ai cũng mong muốn sớm thành lập câu lạc bộ chèo để được góp phần cùng các câu lạc bộ chèo khác ở địa phương gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống này…
Anh Trần Văn Toản, cán bộ Văn hóa - thông tin, thể thao xã Ninh Khang cho biết: Nhiều năm nay, hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa - thể dục thể thao nói chung, câu lạc bộ chèo nói riêng đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Với nòng cốt là hội viên Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, những người yêu chèo ở Ninh Khang đã nhiệt tình dành thời gian và cả kinh phí để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ chèo, đưa nghệ thuật chèo có mặt ở hầu khắp các sự kiện, các ngày lễ kỷ niệm… của địa phương.
Đây là những mô hình văn hóa, văn nghệ bổ ích, lành mạnh, được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm phát triển. Hoạt động của các CLB góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân và nó cần được nhân rộng.
Bài, ảnh: Lý Nhân