Đây được coi là những thay đổi rất có lợi cho những người có thẻ BHYT, góp phần tăng nhanh tỷ lệ người dân tham gia BHYT, nhưng cũng làm giảm nguồn thu của các bệnh viện, đòi hỏi các cơ sở y tế cần không ngừng nâng cao chất lượng KCB để thu hút người dân.
Tại Khoa khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có khá đông người dân đến KCB và nhiều người bất ngờ với giá một số dịch vụ được giảm đáng kể. Anh Phạm Văn Tùy, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình cho biết, anh thấy triệu chứng đau họng, ho và sốt, nên tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám bệnh. Sau khi kiểm tra, bác sĩ chỉ định cho anh tiến hành nội soi tai - mũi - họng. Nếu như trước đây, chi phí cho 1 lần nội soi tai - mũi - họng là 203 nghìn đồng thì nay con số này được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 100 nghìn đồng.
Mặc dù được BHYT chi trả 80%, đồng nghĩa với việc được giảm một vài chục nghìn thôi, nhưng anh Tùy cũng thấy vui, cho rằng, mỗi người dân khi đi KCB đều mong muốn giá các loại dịch vụ vừa phải, phù hợp với điều kiện sống trung bình của người dân, và nếu có thể giảm được những dịch vụ y tế nào thì cũng tốt, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng KCB cho người bệnh.
Theo Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngay khi có quy định giảm giá một số dịch vụ y tế theo Thông tư 15 của Bộ Y tế, Bệnh viện đã triển khai tới tất cả các cán bộ, nhân viên, người lao động trong đơn vị về mức giá mới, đồng thời cập nhật phần mềm mới để bảo đảm việc thanh toán chi phí KCB theo đúng quy định. Ước tính mỗi quý, nguồn thu của Bệnh viện sẽ giảm khoảng 2 tỷ đồng.
Trong điều kiện Bệnh viện phải tự chủ 100% nguồn tài chính như hiện nay thì việc giảm giá dịch vụ y tế lần này tác động khá lớn đến nguồn thu của Bệnh viện, bởi giá dịch vụ hiện nay đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương. Trong khi đó, thời gian qua, Bệnh viện đã đầu tư phát triển các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi với trang thiết bị máy móc rất hiện đại, song theo Thông tư 15, giá của một số dịch vụ phẫu thuật nội soi sẽ thấp hơn so với phẫu thuật mổ mở…
"Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện mỗi ngày đón tiếp trên dưới 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, và có gần 1.300 bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Ngoài ra, Bệnh viện còn quản lý khoảng 8.000 bệnh nhân ngoại trú. Thực sự việc giảm giá dịch vụ y tế lần này sẽ là thách thức, khó khăn, tác động khá lớn đến nguồn thu của Bệnh viện. Trong điều kiện của mình, Bệnh viện sẽ cố gắng để đảm bảo đủ mức lương cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, tuy nhiên các khoản tiền thưởng, thu nhập tăng thêm chắc phải cân đối và có thể sẽ bị giảm…
Trước mắt, giải pháp mà Bệnh viện đưa ra là tăng số bàn khám và ứng dụng KCB bằng thẻ điện tử thông minh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân… Đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng KCB, không vì giảm giá dịch vụ mà ảnh hưởng đến chất lượng KCB, tạo niềm tin cho người dân. Bởi nếu chất lượng giảm, người bệnh không tin tưởng đến khám, điều trị mới là điều ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu của đơn vị…". Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Tuyên cho biết thêm.
Đại diện Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Theo Thông tư 15 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 15/7/2018, quy định thống nhất giá KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, có 70 giá dịch vụ y tế giảm, 9 giá dịch vụ tế tăng và 9 dịch vụ y tế được bổ sung thanh toán BHYT. Cụ thể là: Giá tiền khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I giảm từ 39.000 đồng xuống còn 35.000 đồng/lượt khám; bệnh viện hạng II từ 35.000 đồng xuống còn 29.000 đồng; Bệnh viện hạng III từ 31.000 đồng xuống còn 23.000 đồng, Bệnh viện hạng IV và Trạm y tế xã từ 29.000 đồng xuống còn 20.000 đồng.
Đồng thời có 9 dịch vụ được điều chỉnh tăng, gồm 7 giá ngày giường, chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5% và 2 dịch vụ xét nghiệm. Bộ Y tế cũng điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu. Thông tư cũng bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa tính trong giá của 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để BHXH thanh toán cho người có thẻ BHYT theo thực tế sử dụng; từ đó làm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ theo Thông tư 15 theo hướng giảm giá một số dịch vụ không cần thiết và theo hướng tính đúng, tính đủ đã đảm bảo quyền lợi của người dân đi KCB và cân đối nguồn quỹ KCB BHYT đến năm 2020. Đây cũng là điều kiện quan trọng nhằm tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, thúc đẩy tỷ lệ người dân tham gia BHYT, hướng tới lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020. Đối với các cơ sở y tế, thực hiện Thông tư này, đòi hỏi mỗi đơn vị phải cắt giảm các chi phí không cần thiết, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, nhân lực hợp lý, áp dụng CNTT nhằm đáp ứng hiệu quả hoạt động thường xuyên của đơn vị nhưng vẫn phải luôn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh tham gia BHYT.
Đồng thời khuyến khích các cơ sở y tế tuyến dưới đẩy mạnh phát triển trình độ chuyên môn cũng như trang thiết bị y tế, tự cân đối thu chi và hạn chế chỉ định những dịch vụ kỹ thuật không cần thiết. Bởi chỉ có thể nâng cao chất lượng KCB thì các cơ sở y tế mới có thể níu kéo được người bệnh khi mà theo lộ trình đến năm 2021, sẽ thực hiện thông tuyến KCB BHYT trên toàn quốc.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh