Đối với gia đình chị Đ.T.H, xã Gia Lạc (Gia Viễn) thì không được may mắn như anh Tuyến. Cuộc sống đang yên đang lành thì tai họa ập xuống đối với gia đình chị khi không may chồng mất đột ngột do tai nạn giao thông vào giáp Tết năm 2017. Nguyên nhân là do anh uống nhiều rượu trong bữa liên hoan cuối năm, trên đường về không làm chủ được tay lái đã đâm vào dải phân cách bằng bê tông và tử vong tại chỗ. Mất đi trụ cột gia đình, gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai chị H. "Những vất vả, khó khăn về vật chất thì tôi vẫn cố gắng để vượt qua, nhưng nỗi trống trải, tiếc thương thì không dễ gì nguôi ngoai được. Giờ cứ những ngày giáp Tết, là mẹ con tôi lại buồn đau, thương nhớ người chồng, người cha đã mất một cách đột ngột. Mẹ con tôi cứ luôn ước ao, giá như ngày đó, anh ấy đừng uống quá nhiều rượu, thì chuyện đau lòng chắc đã không xảy ra. Và giá như, luật cấm rượu, bia được thực hiện sớm hơn, nghiêm túc hơn, chắc sẽ có nhiều gia đình không gặp phải đau thương như vậy. Một người ra đi nhưng để lại nỗi đau cho nhiều người. Tôi mong mọi người thực hiện nghiêm luật, đã tham gia giao thông là không uống rượu, bia, để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và những người khác…". Chị H. chia sẻ thêm.
Theo nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam do Bộ Y tế công bố mới đây, tỷ lệ nam giới nước ta sử dụng rượu, bia đang ở mức cao nhất trên thế giới; đặc biệt, có trên 44% số người sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại cho sức khỏe. Trong số người uống rượu, bia, có tới 45% tham gia lái xe trong vòng hai giờ đồng hồ sau uống. Còn theo khảo sát của các cơ quan chức năng, trong các vụ xảy ra tai nạn giao thông, có đến trên 50% số vụ liên quan đến sử dụng rượu, bia sau khi uống trong vòng 2 giờ đồng hồ. Bia, rượu đã trở thành kẻ sát nhân giấu mặt trong cuộc sống, nhất là trong mỗi dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, vào mùa lễ hội, cưới hỏi… Còn theo thống kê từ các bệnh viện, gần 40% nạn nhân tai nạn giao thông đi xe máy có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép, còn với người đi ô tô là gần 70%. Như vậy, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông do sử dụng đồ uống có cồn khá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và an toàn xã hội, đòi hỏi ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong việc chung tay tuyên truyền nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm việc không sử dụng rượu, bia khi lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Sau hơn 10 ngày Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, theo ghi nhận, đông đảo người dân bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ và mong muốn Nghị định được thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả trong thực tế, bởi điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định an toàn giao thông, giảm tai nạn đáng tiếc. Nhiều người, trong đó có các bà vợ bày tỏ sự phấn khởi khi nghe thông tin lực lượng chức năng đang quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô từ 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Hạnh Chi